Tháng Bảy về thăm “Nghĩa trang Trường Sơn” ở biên giới Tây Nam

Dốc Bà Đắc năm xưa là chiến trường vô cùng ác liệt và giờ đây Dốc Bà Đắc chính là nơi trở về của hàng ngàn Liệt sỹ - các anh, các chị nằm kề bên nhau dưới lòng đất mẹ như thuở ở chiến trường.
Tháng Bảy về thăm “Nghĩa trang Trường Sơn” ở biên giới Tây Nam ảnh 1Đoàn viên thanh niên Lực lượng Vũ trang dâng hương lên các phần mộ Liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Dốc Bà Đắc, xã Thới Sơn, thị xã Tịnh Biên (tỉnh An Giang). (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Vào những ngày cuối tháng Bảy, chúng tôi tìm về Nghĩa trang Liệt sỹ Dốc Bà Đắc - nơi được xem là “Nghĩa trang Trường Sơn” ở biên giới Tây Nam (thuộc xã Thới Sơn, thị xã biên giới Tịnh Biên - tỉnh An Giang).

Vượt qua Anh Vũ Sơn (Núi Két - một trong bảy ngọn núi của vùng Thất Sơn), Nghĩa trang Liệt sỹ Dốc Bà Đắc dần hiện ra giữa bát ngát mây trời. Trong mỗi chúng tôi dâng tràn bao cảm xúc tri ân, xin thắp những nén tâm nhang thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn những Anh hùng Liệt sỹ đã hy sinh vì quê hương, đất nước và nhiệm vụ quốc tế cao cả.

“Ngôi nhà chung” của hơn 9.000 liệt sỹ

Trong những năm tháng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, Nghĩa trang Liệt sỹ Dốc Bà Đắc được hình thành và trực thuộc Sư đoàn 330 (Quân khu 9). Sau nhiều lần tôn tạo, hiện Nghĩa trang thuộc Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thị xã Tịnh Biên trực tiếp quản lý.

Đoàn chúng tôi dừng xe bên hàng sứ trắng, trước “Tượng đài Chiến thắng Dốc Bà Đắc.”

Hòa cùng dòng người bước vào nơi an nghỉ của các Anh hùng Liệt sỹ, mỗi lần đến đây, tôi lại thấy bồi hồi, xúc động. Những mộ phần được đặt lớp lớp thẳng hàng giữa mênh mông gió và núi, xen lẫn giữa rừng hoa sứ trắng. Hơn 9.000 liệt sỹ đã nằm lại nơi đây; trong đó có trên 5.000 ngôi mộ chưa xác định được thông tin.

Họ - những chàng trai, cô gái tuổi mới đôi mươi từ khắp mọi miền đất nước chia tay gia đình, người thân lên đường ra trận theo tiếng gọi của Tổ quốc, vì nhiệm vụ quốc tế cao cả… đã vĩnh viễn không trở về. Trong đó, phần lớn là những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến chống chế độ diệt chủng Pol Pot.

Giữa không gian tĩnh lặng, từng đoàn người đi trong trầm mặc của khói hương, trang nghiêm, cùng kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các Anh hùng Liệt sỹ. Chúng tôi đã phần nào hiểu được giá trị của sự hy sinh và giá trị cuộc sống hòa bình hôm nay.

Dốc Bà Đắc năm xưa là chiến trường vô cùng ác liệt, là “tử lộ” của quân thù - địa danh đã đi vào lịch sử. Trong bài thơ “Anh bộ đội An Giang,” nhà thơ Nghiêm Thành Kính từng viết: “Dốc Bà Đắc kèn reo chiến thắng,” ca ngợi chiến công của chiến sỹ giải phóng quân An Giang trên mảnh đất này. Giờ đây, Dốc Bà Đắc chính là nơi trở về của hàng ngàn Liệt sỹ. Các anh, các chị nằm kề bên nhau dưới lòng đất mẹ như cái thuở ở chiến trường.

Tiếp nối mạch tri ân

Trong những dòng người viếng Nghĩa trang Liệt sỹ Dốc Bà Đắc hôm nay, chúng tôi gặp những cựu chiến binh mái tóc đã bạc màu thời gian đến thăm phần mộ đồng đội. Nhìn thật lâu tấm bia mộ của đồng đội, cựu chiến binh Nguyễn Văn Tám (ở thành phố Long Xuyên - An Giang) cho biết, ngày đó, biên giới Tây Nam và Campuchia là chiến trường ác liệt. Bom đạn cày xới, khói lửa triền miên.

Đi làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia là trao cả tuổi thanh xuân ở đó để trở thành những người con quyết tử vì non sông, đất nước, vì tình hữu nghị cao cả, vì sự “hồi sinh” của nước bạn.

[Những việc làm ý nghĩa tri ân các anh hùng thương binh, liệt sỹ]

“Khoảng thời gian đó, tôi cùng đồng đội đã sát cánh bên nhau, đồng cam cộng khổ. Tôi may mắn trở về, còn đồng đội nhiều người đã nằm lại trên đất bạn, một số đã được Đội K90 (Quân khu 9) và Đội K93 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang) tìm kiếm, cất bốc, hồi hương tại các tỉnh Kandal, Kampong Chhnang, Koh Kong, Kampong Speu, Takeo, Kampot (Campuchia) về Nghĩa trang Liệt sỹ Dốc Bà Đắc.

Mình còn sống là may mắn hơn trăm vạn lần những đồng đội khác! Nên năm nào tôi cũng đến đây để thắp một nén nhang cho đồng đội để nhớ lại ngày xưa” - ông Tám chia sẻ.

Giữa dòng người về với Nghĩa trang Liệt sỹ Dốc Bà Đắc có rất nhiều bạn trẻ là đoàn viên, sinh viên. Họ đến đây để bày tỏ lòng tri ân, sự cảm phục với bao chiến sỹ đã anh dũng ngã xuống để mang lại độc lập, tự do cho đất nước.

Bạn Nguyễn Cẩm Nhi (sinh viên Trường Đại học An Giang - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tâm sự, đến Nghĩa trang Liệt sỹ Dốc Bà Đắc những ngày tháng Bảy, em như được “tắm” mình trong truyền thống, hun đúc thêm niềm tự hào được đến với nơi nguồn cội của sức mạnh. Để tri ân công ơn to lớn ấy, em tự nhủ mình phải cố gắng nhiều hơn nữa trong học tập, công tác, góp phần xây dựng quê hương ngày thêm giàu mạnh.

Tháng Bảy về thăm “Nghĩa trang Trường Sơn” ở biên giới Tây Nam ảnh 2Hơn 9000 mộ phần nằm lớp lớp thẳng hàng giữa mênh mông gió và núi nơi vùng biên giới Tây Nam. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau, sự mất mát vẫn còn trong trái tim mỗi con người Việt Nam. Đó là các liệt sỹ hy sinh ở các chiến trường trong và ngoài nước vẫn chưa được quy tập đầy đủ về các nghĩa trang, hài cốt các anh vẫn còn phải nằm lại trong rừng sâu, ở đâu đó dưới lòng đất trên mọi miền Tổ quốc và nước bạn. Đây là nỗi đau, sự trăn trở của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt Liệt sỹ tỉnh An Giang (Ban Chỉ đạo 515 tỉnh), từ năm 2002-2023, Đội K90 và Đội K93 đã tìm kiếm, đưa được hơn 5.000 hài cốt liệt sỹ về với đất mẹ và phần lớn được an táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ Dốc Bà Đắc, số ít được gia đình đưa về quê nhà.

Riêng trong giai đoạn mùa khô 2022-2023, Đội K90 và Đội K93 đã triển khai nhiều đợt tìm kiếm, quy tập được 108 hài cốt Liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh trên đất Campuchia và trên địa bàn tỉnh An Giang (tất cả đều chưa xác định được thông tin). Trong đó, Đội K90 tìm kiếm, quy tập được 38 hài cốt trên địa bàn tỉnh Kandal, Kongpong Chnang (Vương quốc Campuchia); Đội K93 tìm kiếm, quy tập được 70 hài cốt (51 hài cốt liệt sỹ ở địa bàn tỉnh Takeo và Kampong Speu, Vương quốc Campuchia; 19 hài cốt ở trong nước thuộc huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên - tỉnh An Giang).

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh-Trưởng Ban Chỉ đạo 515 An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết việc tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ là trách nhiệm và nghĩa vụ của thế hệ hôm nay.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, hiện nay, công tác tri ân, chăm lo cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, những người có công với cách mạng vừa là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, vừa là trách nhiệm và tình cảm của toàn dân, của mỗi người, mỗi ngành, mỗi tổ chức xã hội.

Dù chưa xác định được danh tính, quê hương các liệt sỹ, song Đảng bộ, quân và dân tỉnh An Giang nguyện thay mặt nhân dân cả nước và gia đình các liệt sỹ sẽ chăm sóc, giữ gìn chu đáo phần mộ các anh như chính người thân yêu ruột thịt của mình. Bia mộ các anh sẽ mãi được ghi danh, gắn liền với quê hương và con người An Giang./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục