Nguy cơ xảy ra sự cố

42 hồ chứa nước ở Bình Định nguy cơ xảy ra sự cố

42 trong tổng số 161 hồ chứa nước thủy lợi ở Bình Định có nguy cơ xảy ra sự cố, cần có biện pháp cấp bách gia cố trước mùa bão lụt.
Để đảm bảo an toàn hồ chứa nước thủy lợi trong mùa mưa bão năm nay, từ ngày 9/8 đến nay, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Bình Định phối hợp với các địa phương kiểm tra và đã phát hiện 42/161 hồ chứa nước thủy lợi có nguy cơ xảy ra sự cố, cần có biện pháp cấp bách gia cố trước mùa lụt bão đến.

Ông Nguyễn Xuân Phú, Chi cục phó Chi cục thủy lợi đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh cho biết, giải pháp trước mắt là ngừng tích nước ở 2 hồ chứa Hố Cùng (xã Mỹ Thọ - Phù Mỹ) và Suối Mây (xã Canh Thuận-Vân Canh).

17 hồ khác cần được khẩn trương thi công gia cố như đắp đất bù mái thượng-hạ lưu đập đất bị xói sâu, chân trụ cầu công tác bị xói lở, thay sửa chữa ty van và máy đóng cửa lấy nước; phát dọn hành lang đường giao thông vào đập, khai thông dòng chảy, gia cố các bờ tràn, tập kết đầy đủ vật tư thiết bị tại các công trình trọng yếu; hạ thấp và điều tiết hợp lý mực nước tại các hồ lớn và thường xuyên theo dõi, xử lý kịp thời các sự cố phát sinh.

Về lâu dài, Trung ương cần hỗ trợ kinh phí để tỉnh kịp thời duy tu, bảo dưỡng hồ chứa bị xuống cấp trầm trọng; đồng thời hướng dẫn chuyên môn về điều tra, khảo sát khôi phục hồ sơ kỹ thuật, xây dựng cơ sở dữ liệu của các hồ chứa trên địa bàn tỉnh và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác quản lý và vận hành hồ chứa.

Qua quá trình kiểm tra an toàn hồ chứa nước thủy lợi, có 18 trong số 42 đập đất hồ chứa đều bị nước thấm qua nền, thân đập và thấm dọc cống lấy nước; mái thượng lưu bị sạt lở, đá lát khan bị xô tụt; mái hạ lưu bị xói sạt do nước mưa; mái thượng - hạ lưu đập do cây cỏ, bụi cây chưa được phát dọn, thiếu rãnh thoát nước; bề rộng mặt đập không đảm bảo và một số hành lang tuyến đập bị xâm phạm do làm ao nuôi cá.

Có 17 trong số 42 tràn xả lũ chủ yếu được làm bằng đất tự nhiên bị xói lở trầm trọng và một số tràn hiện còn đóng bằng ván gỗ phai hoặc đắp con trạch trước cửa tràn chưa được tháo dỡ trước mùa mưa bão; kênh dẫn hạ lưu bị xói lở, hành lang thoát lũ sau tràn không được quy hoạch, hoặc bị lấn chiếm và đường thoát lũ bị bồi lấp đất đá, cây cối mọc um tùm ngăn cản dòng chảy.

Bên cạnh đó, phần lớn cống lấy nước đều được xây dựng từ những năm 1980, nên đến nay do tác động của thiên nhiên, thời tiết, mưa bão lũ lụt đã xuống cấp, hư hỏng. Ngoài ra, đường giao thông vào các hồ chứa hầu hết không đi được xe cơ giới do bị sạt lở, khó có thể tiếp cận nhanh khi có sự cố xảy ra./.

Viết Ý (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục