Quần vợt nữ 1 thập kỷ

5 điểm nổi bật trong làng quần vợt nữ qua 1 thập kỷ

Thập kỷ qua, làng banh nỉ nữ đã chứng kiến nhiều sự kiện thú vị, từ sự trở lại thành công của các cây vợt đến khoản tiền thưởng kếch xù...
Trong một thập kỷ qua (2000-2009), làng banh nỉ nữ đã chứng kiến nhiều sự kiện xảy ra, từ sự trở lại thành công của nhiều tay vợt cho đến những nhà tài trợ với số tiền thưởng kếch xù...

Những cặp chị em xuất sắc

Người hâm mộ đã quá quen với hình ảnh những cặp chị em trong làng banh nỉ nữ, mà tiêu biểu chính là cặp đôi lừng danh nhà Williams, Venus và Serena.

Hai cô gái người Mỹ này đã làm mưa làm gió tại các giải WTA Tour trong suốt 10 năm qua khi giành tổng cộng 18 chức vô địch Grand Slam đánh đơn, 10 chức vô địch Grand Slam đánh đôi và 76 danh hiệu lớn nhỏ khác.

Bên cạnh đó, những cặp chị em khác cũng cần phải nhắc tới là bộ đôi nhà Radwanskas (Agnieszka và Urszula) và Bondarenko (Alona và Kateryna). Agnieszka Radwanskas, 20 tuổi, hiện đang xếp hạng 10 thế giới và nhiều khả năng trong tương lai, cô sẽ cùng với em gái của mình thay thế bộ đôi nhà Williams trong làng đôi nữ.

Trong khi đó, chị em nhà Bondarenko cũng đang chơi khá lên tay trong thời gian qua khi lần lượt xếp ở các vị trí thứ 31 (Kateryna) và 32 (Alona) trên bảng xếp hạng WTA.

Những cô gái xứ Bạch Dương

Olga Morozova và Anna Kournikova được coi là những tay vợt thành công nhất của nước Nga trong thế kỷ 20, nhưng nếu so với những gì mà thế hệ kế cận của họ làm được trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, thành tích của bộ đôi kể trên còn kém rất xa.

Trong năm 2000, chỉ có 4 tay vợt người Nga kết thúc năm ở tốp 100. Nhưng tới năm 2009, con số này đã là 15, trong đó có 4 tay vợt xếp trong tốp 10.

Năm 2004 là năm thành công nhất của quần vợt nữ Nga khi Anastasia Myskina đánh bại Elena Dementieva trong một trận chung kết Grand Slam đầu tiên toàn Nga (Pháp Mở rộng 2004); 1 tháng sau, Maria Sharapova vô địch Wimbledon khi mới 17 tuổi và sau đó tại US Open 2004, Kuznetsova đánh bại Dementieva cũng trong một trận chung kết toàn Nga.

Năm 2005, Sharapova trở thành tay vợt Nga đầu tiên bước lên ngôi vị số 1 thế giới và tới năm 2008, Dementieva đem về chiếc huy chương vàng Olympic ở nội dung đánh đơn nữ cho xứ sở Bạch Dương. Và năm 2009, Kuznetsova đã đăng quang tại giải Pháp mở rộng.

Những quả bom nước Bỉ

Trong những dấu ấn lớn nhất của 10 năm qua, không thể không kể tới bộ đôi nguời Bỉ, Kim Clijsters và Justine Henin, những người đã giành tổng cộng 9 giải Grand Slam đánh đơn, tức là nhiều hơn số lượng mà người Nga làm được.

Clijsters và Henin bắt đầu sự nghiệp quần vợt chuyên nghiệp gần như cùng một thời điểm và họ cũng gặt hái được thành công gần như cùng nhau. Năm 2003, hai tay vợt này đã thay nhau thống trị trên bảng xếp hạng WTA. Năm 2007, Clijsters tạm xa quần vợt để lo chuyện gia đình và 1 năm sau, Henin cũng tuyên bố giải nghệ.

Tuy nhiên, hồi tháng 5 vừa qua khi Clijsters tuyên bố trở lại và giành chức vô địch US Open thì chỉ vài tháng sau, Henin cũng quyết định tái xuất. Sự xuất hiện của cả hai chắc chắn sẽ khiến những giải đấu tăng thêm tính cạnh tranh.

Nhà tài trợ cho WTA


Không chỉ với quần vợt mà còn là với tất cả các môn thể thao khác, tài trợ đang dần trở thành một nguồn lợi sống còn. Với những nhà tài trợ tiên phong gồm Virginia Slims, Kraft, Corel và Sanex, giờ những công ty muốn “làm ăn” với làng banh nỉ là nhiều không kể siết.

Năm 2005 đánh dấu một sự kiện quan trọng với làng quần vợt nữ khi CEO Larry Scott ký hợp đồng có thời hạn 6 năm với hãng Sony Ericsson, với mức tài trợ lên tới 88 triệu USD (mức lớn nhất trong làng thể thao nữ). Chính điều này đã giúp cho những tay vợt nữ bỏ túi nhiều hơn khi tham dự các giải đấu.

Tính tới cuối năm 2009, giá trị giải thưởng đã tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái và Serena có lẽ là người vui mừng nhất vì cô bỏ túi tới hơn 6,5 triệu USD tiền thưởng trong mùa giải vừa qua.

Sự trở lại của những bà mẹ

Trong thế kỷ 20, những “bà mẹ” trở lại sau 1 thời gian nghỉ thi đấu đều không gặt hái được thêm nhiều thành công, nhưng đó đã là ngoại lệ ở 10 năm đầu của thế kỷ 21.

Giống như Kim Clijsters, Lindsay Davenport cũng trở lại với quần vợt đỉnh cao (2007) khi đã làm mẹ. Dù thi đấu chật vật, nhưng Davenport cũng kịp có thêm 4 danh hiệu nữa trước khi chính thức giải nghệ năm 2009.

Nhưng có lẽ phần thưởng giành cho người mẹ có sự trở lại ấn tượng nhất nên trao cho Jennifer Capriati. Tay vợt nữ người Mỹ tái xuất vào năm 1996 và giành thêm 3 danh hiệu Grand Slam trước khi leo trở lại ngô vị số 1 thế giới vào các năm 2001 và 2002./.

Đỗ Huy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục