Sau 6 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã trở thành một quốc gia có vị thế cao trên thị trường nông sản thế giới với một số mặt hàng nông sản chủ lực như lúa gạo, thủy sản, càphê, hạt tiêu, điều, cau su. Đặc biệt, tổng kim ngạch xuất khẩu các loại nông, lâm, thủy sản năm 2012 đạt 27,5 tỷ USD, tăng hơn 2,5 lần so với mức 10,6 tỷ USD năm 2006, thời điểm trước khi Việt Nam gia nhập WTO.
Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu tại Hội thảo Công bố báo cáo tổng hợp đánh giá tác động của việc thực hiện các cam kết WTO và khu vực đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức sáng nay (30/10), tại Hà Nội.
"Nông dân không theo kịp"
Kết quả đánh giá cho thấy, nhiều mặt hàng đã chiếm vị thế quan trọng trên thị trường thế giới và đạt kim ngạch xuất khẩu cao, điển hình là thủy sản, đồ gỗ, gạo, cao su, càphê, hạt điều, sắn lát đều đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Kim ngạch nông lâm thủy sản luôn xuất siêu và ngày càng tăng; đặc biệt, trong các giai đoạn khó khăn, giá trị này góp phần cân đối cán cân thương mại của Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Viện trưởng Viện Chính Sách và Phát triển Nông nghiệp Nông thôn Đặng Kim Sơn cho biết, quá trình hội nhập WTO đã góp phần đem lại hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế của Việt Nam. Thông qua mở rộng thị trường quốc tế và khu vực mà những hàng hóa nông sản có thế mạnh đã dần chiếm lĩnh thị trường thế giới, đem lại kim ngạch xuất khẩu cao.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng nền nông nghiệp của Việt Nam vẫn từ xuất phát điểm thấp, trong khi đầu tư cho nông nghiệp chưa thỏa đáng nên nhìn chung khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam còn yếu. Ngoài ra, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo, hoạt động xúc tiến thương mại yếu, giá bán thấp và biến động, thị trường không ổn định.
Do vậy, thu nhập của nông dân và hiệu quả của doanh nghiệp còn thấp. Tình trạng này khiến cho tăng trưởng nông nghiệp và tốc độ xóa đói giảm nghèo cũng chậm lại, Viện trưởng Đặng Kim Sơn đánh giá.
Mặt khác, việc mở cửa thị trường, kết nối sản xuất Việt Nam với nền kinh tế thế giới đồng nghĩa với việc người sản xuất và kinh doanh phải đương đầu với những rủi ro và biến động trên thị trường thế giới.
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Đỗ Thành Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đường-Khánh Hòa cho biết: “Chúng ta mở cửa nhanh quá khiến cho người nông dân trồng mía không theo kịp.”
"So sánh vì sao Trung Quốc và các nước thành công khi hội nhập WTO vì họ có sự chuẩn bị năng lực cho người nông dân tốt trước khi hội nhập. Chúng ta hội nhập quá nhanh khi người nông dân chưa kịp chuẩn bị. Lẽ ra nên đàm phán kéo dài quá trình hội nhập WTO vì nếu chúng ta đi nhanh quá thì chúng ta sẽ trở nên yếu đuối. Không chỉ riêng với cây mía mà là cả cây lúa, cây cà phê, thủy sản,… ông Đỗ Thanh Liêm cho hay.
"Vẫn chưa muộn”
"Trước thực tế, việc gia nhập WTO ở nước ta được tiến hành khi nội lực kinh tế chưa đủ sức để chạy theo cuộc đua cạnh tranh gay gắt của thị trường thế giới. Điều đó đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có những chủ trương chính sách đúng đắn để tận dụng cơ hội, tối đa hóa lợi ích của hội nhập và giảm thiểu những tác động bất lợi từ hội nhập kinh tế quốc tế," tiến sỹ Đặng Kim Sơn nhấn mạnh.
Theo tiến sỹ Đào Thế Anh, Phó viện trưởng Hội Khoa học Phát triển nông thôn (PHANO), khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại quốc tế và khu vực đồng nghĩa với việc thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu một số nông sản, thực phẩm.
Từ năm 2011, Việt Nam đã cam kết sẽ tiếp tục giảm thuế cho một số sản phẩm nông nghiệp bao gồm sữa và bánh kẹo, cho doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài được gia nhập kể cả mặt hàng gạo (1/1/2011).
Như vậy, hàng hóa thị trường nội địa sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt của hàng hóa nhập khẩu đồng thời nông, lâm, thủy sản xuất khẩu cũng không được hưởng trợ cấp xuất khẩu như trước gia nhập WTO," tiến sỹ Đào Thế Anh cho hay.
“Ngoài những yếu tố là cơ hội mang lại lợi thế phát triển cho ngành sau quá trình hội nhập thì những thách thức cũng ngày càng lớn hơn. Việc mở cửa là cần thiết, còn việc sắp xếp lại chuẩn bị các yếu tố đảm bảo nội lực đáng nhẽ chúng ta cần phải làm trước nhưng giờ bắt tay vào thì cũng chưa muộn,” tiến sỹ Đặng Kim Sơn khẳng định./.
Về thương mại ngành nông nghiệp, giá trị xuất khẩu toàn ngành tăng khá nhanh trong giai đoạn từ năm 2000-2012 (trừ năm 2009), tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu giai đoạn 5 năm trước gia nhập WTO là 18.4% cao hơn so với 5 năm sau khi gia nhập WTO chỉ đạt 15,6%. Trong đó, so với giai đoạn 5 năm trước gia nhập WTO và sau 5 năm gia nhập, tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu lâm sản giảm mạnh nhất từ 36,8% xuống còn 13,1%; còn xuất khẩu thủy sản giảm nhẹ từ 13,1% xuống 10,1% và nông sản giảm từ 17,3% xuống 13,1%./. |