Sau trận động đất kinh hoàng ngày 12/1 vừa qua, tỷ lệ người nghèo cùng cực ở Haiti đã trở về mức 71% của một thập kỷ trước.
Điều đó đồng nghĩa với việc công cuộc đấu tranh chống đói nghèo của quốc gia nhỏ bé vùng Carribe này bị đẩy lùi thêm 10 năm nữa.
Đó là lời khẳng định của bà Alicia Barcena, thư ký điều hành Ủy ban kinh tế Mỹ Latinh và Carribe (ECLAC).
Phát biểu với báo giới ngày 18/3, bà Barcena nhấn mạnh đánh giá mức độ thiệt hại về kinh tế, xã hội và môi trường sau thiên tai là công cụ đắc lực để phục vụ cho việc phân tích những tác động tiềm tàng của sự biến đổi khí hậu, và đây cũng là cơ hội để nhiều nước quan tâm hơn đến vấn đề giảm thiểu nguy cơ thiên tai.
Theo các số liệu của ECLAC, trận động đất 7,3 độ Richter hồi tháng Một vừa qua đã để lại hậu quả nghiêm trọng cho Haiti với hơn 222.000 người thiệt mạng, 311.000 người bị thương và gây ảnh hưởng tới 1,5 triệu người khác.
Theo những tính toán sơ bộ, thiệt hại kinh tế ước tính lên tới gần 8 tỷ USD, tương đương hơn 120% tổng sản phẩm nội địa của Haiti năm 2009.
Trong khi đó, nền kinh tế vùng Carribe trong năm 2009 cũng suy giảm 2,1%, cao hơn mức trung bình của khu vực Mỹ Latinh là 1,7%.
Cũng trong ngày 18/3, các nguồn tin từ Bộ Tài chính Mỹ cho biết Mỹ sẽ yêu cầu Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IADB) xóa toàn bộ khoản nợ gần 450 triệu USD cho Haiti.
Đề nghị này có thể được đưa ra ngay trong ngày 19/3, ngày họp đầu tiên của Hội nghị thường niên IADB ở Cancun, Mexico.
Tuần trước, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua nghị quyết kêu gọi giảm bớt gánh nặng nợ nần cho Haiti nhằm giúp quốc gia nghèo nhất Tây bán cầu khôi phục và xây dựng lại sau thảm họa động đất.
Theo đánh giá của IADB, công cuộc tái thiết Haiti có thể cần tới ít nhất 14 tỷ USD.
Cùng ngày, kết thúc hội nghị hai ngày ở Santo Domingo nhằm chuẩn bị cho Hội nghị các nhà tài trợ quốc tế cho Haiti - dự kiến nhóm họp vào ngày 31/3 này ở New York, các chuyên gia cho biết các nhà tài trợ quốc tế dự định cấp 3,8 tỷ USD trong vòng 18 tháng để giúp Haiti xây dựng lại.
Trong thông cáo bế mạc hội nghị trù bị, Tổng thống nước chủ nhà Cộng hòa Dominica, ông Leonel Fernandez và Thủ tướng Haiti Jean-Max Bellerive, các đồng Chủ tịch hội nghị, cũng đề cập đến cam kết viện trợ bổ sung cho Chính phủ Haiti 350 triệu USD để hỗ trợ ngân sách năm 2010.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đã thông qua khoản trợ cấp 65 triệu USD cho Haiti nhằm giúp nước này sửa chữa lại trụ sở ngân hàng trung ương đã bị sập trong vụ động đất và cung cấp tài chính cho các hoạt động cấp bộ cũng như xây dựng lại cơ sở hạ tầng trọng yếu.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao phụ trách điều phối viện trợ của Mỹ cảnh báo rằng bất chấp hàng tỷ USD mà cộng đồng quốc tế cam kết viện trợ cho Haiti cũng như chiến dịch nhân đạo chưa từng có tại đây, "đã quá muộn để ngăn chặn một thảm họa động đất tương tự thứ hai xảy đến với đảo quốc Carribe."
Theo ông, lều bạt đơn sơ, tạm bợ không đủ để bảo vệ hàng chục nghìn người dân Haiti trước mùa mưa bão sắp tới bắt đầu vào tháng Tư hàng năm, và những người sống sót có thể sẽ bỏ mạng nếu xảy ra một thảm họa thứ hai trong thời gian tới.
Vấn đề chính ở đây là không còn đủ thời gian cho việc ngăn ngừa một thảm họa thiên tai mới./.