ADB đề nghị châu Á thỏa thuận trao đổi năng lượng

ADB khuyến nghị châu Á cần thiết lập các thỏa thuận và tăng cường trao đổi năng lượng xuyên biên giới để đáp ứng nhu cầu sẽ bùng nổ.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố Báo cáo nghiên cứu “Triển vọng năng lượng châu Á-Thái Bình Dương,” trong đó khuyến nghị các nước trong khu vực cần thiết lập các thỏa thuận và tăng cường trao đổi năng lượng xuyên biên giới để đáp ứng nhu cầu năng lượng bùng nổ dự báo sẽ cao hơn nhiều so với các khu vực khác trên thế giới trong hai thập kỷ tới.
 
Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn thông cáo báo chí ngày 14/10 của ADB cho biết châu Á-Thái Bình Dương sẽ tiêu thụ hơn một nửa nguồn cung năng lượng của thế giới vào năm 2035, với mức tăng tiêu dùng điện năng cao gấp đôi tăng trưởng kinh tế.

Nhà tư vấn cấp cao về cơ sở hạ tầng và quan hệ đối tác công-tư của ADB, S. Chander nhấn mạnh quốc gia sẽ không thể tự đáp ứng được yêu cầu năng lượng lớn của mình, vì vậy châu Á-Thái Bình Dương cần đẩy nhanh kết nối mạng lưới các nhà máy điện qua biên giới để nâng cao hiệu quả, cắt giảm chi phí và tận dụng năng lượng dư thừa.

Theo nghiên cứu trên, nhiên liệu hóa thạch sẽ tiếp tục thống lĩnh các nguồn năng lượng trong những thập kỷ tới, với nhu cầu về than đá sẽ tăng hơn 50% trong giai đoạn từ nay tới năm 2035, trung bình tăng gần 2%/năm, trong đó dẫn đầu về tiêu thụ là Trung Quốc.

Nhu cầu dầu mỏ cũng sẽ tăng trung bình 2%/năm, trong đó dẫn đầu là ngành giao thông vận tải, nhất là ở khu vực Nam Á. Nhu cầu khí đốt tự nhiên sẽ tăng nhanh nhất, với tốc độ 4%/năm do tác động đến môi trường ít hơn và dễ sử dụng.

Nghiên cứu cũng cho thấy Indonesia sẽ tiếp tục là một nước xuất khẩu ròng than đá, trong khi nhập khẩu dầu sẽ tiếp tục tăng và sẽ trở thành một nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên sau năm 2030.

Điều này đòi hỏi nước này cần phải ưu tiên nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, áp dụng các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trong các ngành điện để giảm bớt gánh nặng về môi trường của việc sử dụng than.

ADB cảnh báo sự phụ thuộc của khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào nhiên liệu hóa thạch hiện là nguyên nhân chính gây áp lực lên giá, an ninh năng lượng và những thách thức về môi trường, với lượng khí thải carbon dioxide của khu vực sẽ tăng gấp đôi vào năm 2035, chiếm hơn một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của thế giới.

Nếu không giảm phụ thuộc vào dầu mỏ và than đá nhập khẩu, sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và phát triển năng lượng xanh thì sự phân hóa về năng lượng giữa người nghèo và người giàu, nước nghèo và nước giàu trong khu vực sẽ ngày một gia tăng, cũng như phải đối mặt với các mối đe dọa lớn hơn từ biến đổi khí hậu.

ADB nhấn mạnh có những cơ hội lớn để xây dựng các sáng kiến trao đổi điện năng qua biên giới hiện có trong khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Trung Á, với mục tiêu cuối cùng là thiết lập một thị trường năng lượng châu Á vào năm 2030.

Một sự hợp tác chặt chẽ như vậy còn mang đến những tác động phụ tích cực khác, trong đó có các cơ hội kinh tế mới và các mối quan hệ ấm áp hơn.

Báo cáo nghiên cứu “Triển vọng năng lượng châu Á-Thái Bình Dương” do một nhóm các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng châu Á Thái Bình Dương của Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản thực hiện trong khuôn khổ dự án hỗ trợ kỹ thuật trong khu vực của ADB./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục