Agribank cam kết đồng hành với khu vực “Tam nông”

Xác định khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân là "cốt yếu", Agribank sẽ tiếp tục tập trung vốn mạnh cho khu vực này trong năm 2013.
Trong năm 2012, Agribank luôn khẳng định vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn. Dư nợ cho vay của Agribank đã được điều chỉnh mạnh về cơ cấu để tập trung cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, chiếm tỷ trọng gần 70% tổng dư nợ cho vay.

Năm 2012, Agribank đã tập trung tín dụng cho bốn đối tượng kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ.

Dư nợ cho vay theo các chương trình đều tăng trưởng tốt như: Cho vay thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản 23.931 tỷ đồng, tăng 3.419 tỷ đồng (+16,8%) so với cuối năm 2011; cho vay ngành lương thực 15.887 tỷ đồng, tăng 1.890 tỷ đồng (+13,5%); cho vay thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê 9.917 tỷ đồng, tăng 1.359 tỷ đồng (+15,9%); cho vay chăn nuôi 59.412 tỷ đồng, tăng 12.161 tỷ đồng (+25,7%).

Như vậy, năm 2012, dư nợ cho vay của Agribank đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Dư nợ cho vay ở hầu hết các khu vực đều tăng trưởng tốt, đạt hiệu quả khá.

Trong năm qua, Agribank cũng triển khai việc cung cấp các gói sản phẩm cho khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn theo định hướng Agribank đầu tư vốn, cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng theo chu trình khép kín: Từ người sản xuất - thu mua - chế biến - các doanh nghiệp kinh doanh thương mại nội địa - các doanh nghiệp xuất khẩu.    

Việc triển khai các gói sản phẩm đã và đang được triển khai qua các đầu mối là các doanh nghiệp trọng yếu hoạt động trong các ngành kinh doanh thuộc lĩnh vực nông nghiệp nông thôn như Vinafood II (3.500 tỷ VND), Vinacafe (3.880 tỷ VND), Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa (900 tỷ VND), Công ty Cổ phần Mía đường nhiệt điện Gia Lai (242 tỷ VND)…

Mặt khác, ngân hàng cũng thực hiện đúng các quy định về trần lãi suất huy động về ngoại tệ và USD, giảm lãi suất cho vay, đến nay, lãi suất cho vay phổ biến từ 10%/năm đến dưới 13%/năm; tích cực huy động vốn từ các tổ chức và dân cư để mở rộng tín dụng và đảm bảo khả năng thanh toán; tiếp tục đổi mới quản trị, điều hành kinh doanh để kiểm soát tín dụng tăng trưởng theo hướng bền vững và nâng cao chất lượng; thực hiện các biện pháp phân loại, trích dự phòng và xử lý rủi ro…

Tính đến 31/12/2012, tổng dư nợ cho vay (cả ngoại tệ quy đổi VND) đạt 480.453 tỷ đồng, tăng 36.576 tỷ đồng (+8,2%) so với cuối năm 2011, đạt mục tiêu tăng trưởng dư nợ từ 8%-10% đề ra năm 2012. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 320.075 tỷ đồng, tăng 37.082 tỷ đồng (+13,1%) so với cuối năm 2011 và chiếm tỷ lệ gần 70% tổng dư nợ cho vay, cao hơn mức tăng dư nợ bình quân.

Song song với việc cơ cấu lại nguồn vốn tín dụng, Agribank cũng đã triển khai một số giải pháp về cơ cấu lại ngân hàng như: Cơ cấu lại thị trường kinh doanh theo hướng tập trung thị trường tài chính, tín dụng ở khu vực nông thôn, thể hiện qua việc huy động vốn của dân cư và tăng trưởng tín dụng cho khu vực này; cơ cấu lại mạng lưới chi nhánh trên địa bàn TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh; cơ cấu lại các sản phẩm, dịch vụ cấp tín dụng và dịch vụ khác để phù hợp với thị trường nông thôn và nâng cao chất lượng.

Ngân hàng cũng đã cơ cấu lại hệ thống và bộ máy kiểm tra và kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ để nâng cao hiệu quả và giảm thiểu rủi ro; thực hiện việc chuyển đổi sang mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và Nghị định của Chính phủ; từng bước cơ cấu lại các khoản đầu tư ngoài ngành ngoài nhiệm vụ chính theo hướng thu hẹp, bán các khoản vốn này để tập trung vốn cho vay đối với kinh tế nông nghiệp, nông thôn…

Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Agribank cũng đóng góp quan trọng vào công tác an sinh xã hội theo hướng mở rộng tín dụng và cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các hộ sản xuất ở khu vực nông thôn để phát triển sản xuất hàng hóa và góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, Agribank đã thực hiện cho vay đạt trên 1.600 tỷ, tăng 40,6% so với cuối năm 2011. Đặc biệt, năm 2012, Agribank cũng dành khoảng 300 tỷ đồng để tài trợ cho các dự án, chương trình an sinh xã hội cho hộ nghèo, y tế, giáo dục của các tỉnh mà tập trung là các tỉnh miền núi, vùng gặp khó khăn.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Nguyễn Ngọc Bảo cho biết: Bước sang năm 2013, kỷ niệm 25 năm thành lập và phát triển, Agribank sẽ tiếp tục khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

“Bài học kinh nghiệm lớn cho sự thành công và phát triển của Agribank là đồng hành với sản xuất nông nghiệp và hộ nông dân; chiến lược phát triển lấy hoạt động kinh doanh ở khu vực nông nghiệp và nông thôn là chính, coi trọng thị trường đô thị để quảng bá thương hiệu, phát triển dịch vụ và tiếp cận khách hàng lớn”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, Agribank sẽ huy động vốn ở tất cả các kênh trong và ngoài nước để có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn ở mức trên 12%, còn ở những địa bàn còn nhiều tiềm năng tăng khoảng 15%. Tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn sẽ đẩy lên trên 70% tổng dư nợ cho vay.

Các đối tượng mở rộng cho vay như: Kinh tế hộ, các đối tượng theo Nghị định 41 của Chính phủ, đặc biệt chú ý đến các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, các doanh nghiệp công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Một số chỉ tiêu kinh doanh năm 2013 của Agribank:

-Vốn huy động (cả ngoại tệ quy đổi) tăng từ 11% - 13% (so với cuối năm 2012).

-Dư nợ cho vay (cả ngoại tệ quy đổi) tăng từ 9% - 11% (so với cuối năm 2012).
P.V (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục