Ai Cập: Hơn 2.000 cổ vật bị đánh cắp kể từ năm 2011

Ngành khảo cổ Ai Cập đã bị thiệt hại nghiêm trọng do tình trạng cướp phá, thiếu kinh phí từ khi bùng phát làn sóng nổi dậy năm 2011.
Theo Bộ trưởng Bộ khảo cổ Ai Cập Mohamed Ibrahim, ngành khảo cổ nước này bị thiệt hại nghiêm trọng do tình trạng cướp phá, đình chỉ hoạt động khai quật và thiếu kinh phí trầm trọng kể từ khi bắt đầu bùng phát làn sóng nổi dậy vào năm 2011.

Ông Ibrahim cho biết ít nhất 2.000 cổ vật đã bị đánh cắp từ năm 2011 do tình trạng rối ren chính trị và bạo lực. Trong đó, bảo tàng quốc gia ở thủ đô Cairo mất mát nặng nề nhất khi nhiều cổ vật vô giá đã bị lấy cắp vào ngày 28/11/2011. Hiện mới chỉ thu hồi được 26 hiện vật và những cổ vật này sẽ được trưng bày lại sau khi phục chế vào cuối tháng 9 này.

Tháng 8 vừa qua, bảo tàng quốc gia Malawi tại thành phố Minya ở Thượng Ai Cập cũng đã bị cướp phá, 1.089 mẫu vật, 32 xác ướp và tượng bị đập vỡ và hơn 1.000 đồ tạo tác bị lấy trộm. Ông Ibrahim cho biết Bộ khảo cổ đã thu hồi được 486 mẫu vật gồm một bức tượng đá vôi 3.500 tuổi, một chuỗi vòng trang sức, một số đồng tiền vàng và đồng và một số đồ gốm cũng như tượng điêu khắc hình các linh vật.

Trong khi đó, kinh phí cho hoạt động khai quật của ngành khảo cổ Ai Cập hiện nay cũng rất eo hẹp do thu nhập giảm khi số du khách nước ngoài giảm sút. Thêm vào đó, nạn khai quật trái phép đang lan tràn cũng gây nhiều thiệt hại. Ông Ibrahim đề nghị sử dụng các thiết bị theo dõi điện tử và vệ tinh nhằm ngăn chặn tình trạng này.

Các di tích khảo cổ độc đáo ở Ai Cập là một trong những điểm chính thu hút du khách trên khắp thế giới và là nguồn thu ngoại tệ chính cho nước này. Nguồn thu từ di tích khảo cổ của Ai Cập trong giai đoạn 2009-2010 đạt 170 triệu USD, nhưng giai đoạn 2012-2013 chỉ đạt 70 triệu USD./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục