Ai Cập-Sudan-Ethiopia tiến hành đàm phán vòng 4 về Đập thủy điện Đại Phục hưng

Ai Cập, Sudan và Ethiopia trước đó đã tổ chức 3 vòng đàm phán về GERD nhưng vẫn chưa đạt được bước tiến đáng kể liên quan tới các quy tắc về tích nước và vận hành Đập thủy điện Đại Phục hưng.

Đập thủy điện Đại Phục Hưng tại Guba, Ethiopia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đập thủy điện Đại Phục Hưng tại Guba, Ethiopia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 18/12, vòng đàm phán thứ 4 về Đập thủy điện Đại Phục hưng của Ethiopia (GERD) đã diễn ra tại thủ đô Addis Ababa (Ethiopia), với sự tham gia của các phái đoàn cấp bộ trưởng từ Ai Cập, Sudan và Ethiopia.

Vòng đàm phán này sẽ đẩy nhanh việc hoàn tất thỏa thuận liên quan đến các quy tắc về tích nước hồ chứa và vận hành GERD trong 4 tháng.

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, người phát ngôn của Bộ Thủy lợi và Tài nguyên nước Ai Cập khẳng định nước này tham gia đàm phán một cách trung thực và nghiêm túc để đạt được một thỏa thuận công bằng, có tính đến lợi ích quốc gia hiện tại và tương lai của Ai Cập, đồng thời đạt được lợi ích chung của 3 nước.

Trước đó, Ai Cập, Sudan và Ethiopia đã tổ chức 3 vòng đàm phán về GERD nhưng vẫn chưa đạt được bước tiến đáng kể liên quan tới các quy tắc về tích nước và vận hành con đập này.

Theo Chính phủ Ai Cập, nguyên nhân các bên chưa đạt được sự đồng thuận do phía Ethiopia không thay đổi lập trường trong việc chia sẻ nguồn nước với các nước hạ nguồn là Ai Cập và Sudan.

Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Thủy lợi và Tài nguyên Nước Ai Cập Hani Sewilam đã cảnh báo việc Ethiopia tiếp tục đơn phương vận hành GERD trên nhánh Nile Xanh. Theo ông, việc này gây ra “mối đe dọa hiện hữu” đối với hơn 100 triệu người dân ở Ai Cập.

Bộ trưởng Sewilam cho biết việc lấp đầy hồ chứa GERD của Ethiopia trong khi không có thỏa thuận với hai nước hạ nguồn là Ai Cập và Sudan, đã vi phạm thỏa thuận về Tuyên bố nguyên tắc được ký kết giữa 3 quốc gia vào năm 2015, cũng như luật pháp quốc tế.

Ông nói thêm việc lấp đầy hồ chứa đã cản trở quá trình đàm phán và đe dọa sự thành công của các cuộc thảo luận.

Bộ trưởng Thủy lợi Ai Cập nhấn mạnh có nhiều giải pháp kỹ thuật và pháp lý khác nhau để có thể tạo điều kiện thuận lợi cho một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý đáp ứng lợi ích của cả 3 quốc gia.

GERD nằm trên nhánh Nile Xanh, một trong hai nhánh chính của sông Nile vốn cung cấp tới 97% nhu cầu nước của Ai Cập. Tuy nhiên, con đập này vẫn là trọng tâm trong các kế hoạch phát triển của Ethiopia và Addis Ababa thông báo đã bắt đầu sản xuất điện lần đầu tiên từ GERD vào tháng 2/2022.

Tại cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh các quốc gia láng giềng Sudan hồi tháng Bảy vừa qua, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã đồng ý hoàn tất một thỏa thuận trong vòng 4 tháng, sau nhiều năm bất đồng về GERD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục