Ai đang thắng thế trong quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên?

Nếu Mỹ không quyết tâm thay thế thỏa thuận đình chiến chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên bằng một hiệp ước hòa bình bền vững thì Bình Nhưỡng cũng sẽ không tiếp tục các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa.
Ai đang thắng thế trong quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore ngày 12/6. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Theo trang mạng edition.cnn.com/Chosun Ilbo/Channel News Asia, một quan chức chính quyền Triều Tiên cho biết khả năng diễn ra các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên tiếp theo phụ thuộc vào quyết tâm có “bước đi dũng cảm” của Mỹ và việc cường quốc này có nhất trí tiến tới một hiệp ước với Bình Nhưỡng hay không.

Theo nguồn tin này, nếu Mỹ không quyết tâm thay thế thỏa thuận đình chiến chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên bằng một hiệp ước hòa bình bền vững thì Bình Nhưỡng cũng sẽ không tiếp tục các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa.

Để thiết lập một hiệp ước hòa bình có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý, Mỹ phải có được sự đồng thuận của tối thiểu 2/3 Thượng viện.

Theo lời quan chức kể trên, Triều Tiên đang gây áp lực với Chính quyền của Tổng thống Donald Trump yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, và cho rằng Bình Nhưỡng đã có rất nhiều nỗ lực như đình chỉ các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, phá hủy một trong các bãi thử hạt nhân, và thúc đẩy việc trao trả hài cốt các binh sỹ Mỹ.

Trong khi đó, CNN dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Trump thất vọng với sự trì trệ của tiến trình đàm phán, dù cho rằng việc Triều Tiên đình chỉ các vụ thử nghiệm là một tín hiệu tích cực.

Sau hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore hồi tháng trước, Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo đều công khai nói rằng dư luận nên kiên nhẫn.

Một trong những thỏa thuận được đưa ra tại cuộc gặp thượng đỉnh Singapore là hai bên “cùng phối hợp tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên,” một cụm từ khá mập mờ mà giới chuyên gia cho rằng dẫn tới cách diễn giải rất khác nhau của Washington và Bình Nhưỡng.

Bình Nhưỡng cũng cam kết sẽ trao trả hài cốt của các binh sỹ Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên. Một quan chức Mỹ nói với CNN rằng Washington hy vọng sẽ đưa được những hài cốt đầu tiên về nước vào ngày 27/7, ngày kỷ niệm hai bên ký kết thỏa thuận đình chiến và thành lập khu vực phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên.

[Vì sao Triều Tiên vẫn còn chậm chạp trong phi hạt nhân hóa?]

Những người chỉ trích cho rằng thỏa thuận được đưa ra tại Singapore thiếu chi tiết và không ràng buộc Triều Tiên vào một khung thời gian phi hạt nhân cố định hay cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân mà họ đang sở hữu. Tuy nhiên, cả Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Pompeo đều khẳng định không có bất kỳ mâu thuẫn nào trong lập trường giữa hai chính quyền về vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Ông Trump và ông Kim cũng nhất trí “xây dựng cơ chế hòa bình bền vững và ổn định trên bán đảo Triều Tiên,” bao gồm cả những “đảm bảo an ninh” cho Triều Tiên."

Bình Nhưỡng từng nhiều lần lo ngại rằng nếu không có khả năng răn đe hạt nhân, họ có thể sẽ phải đối mặt với những nỗ lực nhằm thay đổi chế độ hoặc một cuộc tấn công quân sự của Mỹ, nhất là bởi hai bên trong thực tế vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên là một nội dung quan trọng trong Tuyên bố Panmunjom được Kim Jong-un và Tổng thống Hàn quốc Moon Jae-in đưa ra hồi đầu năm.

Nhật báo Chosun của Nhật Bản ngày 23/7 dẫn lời Chỉ huy trưởng các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc Tướng Vincent Brooks cho rằng từ sau vụ thử tên lửa cuối cùng hồi tháng 11/2017, các phát biểu và hành động của Triều Tiên thể hiện rằng “một sự thay đổi đáng kể, có lẽ là thay đổi trong các tính toán mà Mỹ vẫn trông đợi."

Tuy nhiên, một số quan chức tình báo vẫn tỏ ý hoài nghi về mức độ đáng tin của Bình Nhưỡng nhất là trong bối cảnh có những thông tin cho rằng thay vì thu hẹp các hoạt động, Triều Tiên thực chất lại đang đẩy mạnh việc sản xuất nguyên liệu hạt nhân.

Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen ở Colorado, Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện Mike McCaul nhấn mạnh: “Tôi cho rằng Mỹ không nên nhượng bộ chừng nào (Triều Tiên) thực sự có những bước tiến tích cực, rõ ràng và mạnh mẽ hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa, điều mà tôi cho là chỉ có thể được chứng minh bằng việc giải giáp năng lực hạt nhân."

Ông McCaul nhắc lại lời kêu gọi của nhiều nhà ngoại giao Mỹ về việc tiếp tục gia tăng sức ép bằng các đòn trừng phạt đối với Bình Nhưỡng: “Giờ không phải là lúc nới lỏng các áp lực tối đa. Giờ là lúc càng cần siết chặt hơn nữa."

Sue Mi Terry, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, được Channel News Asia, dẫn lời phát biểu tại hội nghị ở Aspen: “Nếu mục tiêu của chúng ta vẫn là giải giáp chương trình hạt nhân của Triều Tiên hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược thì rõ ràng mọi chuyện chưa có gì tiến triển."

Giới chuyên gia cho rằng việc tiếp tục “gây áp lực tối đa” đối với Triều Tiên không hề đơn giản bởi quốc gia này rõ ràng đang kiềm chế những hành vi khiêu khích.

Chuyên gia Terry nhấn mạnh: “Trong trường hợp giải pháp này không khả thi, chúng ta cần một kế hoạch khác. Song đáng tiếc là chúng ta chẳng có bất kỳ kế hoạch B nào”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục