AI: Yếu tố quyết định trong tỷ thí giữa Mỹ và Trung Quốc

Ngay cả khi AI và công nghệ đỉnh cao khác sẽ đem tới một cuộc cạnh tranh "hai bên cùng thiệt hại" giữa Mỹ và Trung Quốc, thì sự đồng tồn tại vẫn có thể xảy ra, điều này vẫn tốt hơn là cùng hủy diệt.
AI: Yếu tố quyết định trong tỷ thí giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: irishtimes.com)

Trong bài viết được đăng tải trên tờ Australia Financial Review, hai tác giả Eric Schmidt và Graham Allison của Mỹ đã có bài viết chia sẻ một số nhận định xoay quanh xu hướng phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và những lợi thế cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc.

Nội dung bài viết xoay quanh việc COVID-19 trở thành một phép thử căng thẳng đối với các quốc gia trên toàn thế giới. Trong các lĩnh vực từ quản lý chuỗi cung ứng và năng lực y tế đến cải cách luật pháp và kích thích kinh tế, đại dịch đã gây ra những "đòn trừng phạt không thương tiếc" đối với những chính phủ không - hoặc không thể - thích ứng nhanh chóng.

Cuộc tỷ thí quan trọng nhất thế kỷ

Virus cũng đã kéo lại bức màn sân khấu của một trong những cuộc tỷ thí quan trọng nhất trong thế kỷ này, đó là cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc để giành quyền "tối thượng" trong công nghệ AI.

Cảnh tượng đó đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với người Mỹ, rằng Trung Quốc không chỉ đang chuẩn bị vượt qua Mỹ, mà nước này đã sẵn sàng bỏ xa năng lực của Mỹ ở những nơi quan trọng nhất.

Hầu hết người Mỹ đều tin rằng việc Mỹ dẫn đầu trong các công nghệ tiên tiến là điều không thể chối bỏ. Và rất nhiều người trong cộng đồng an ninh quốc gia Mỹ khẳng định Trung Quốc không bao giờ có thể vượt lên trên mức "một đối thủ cạng tranh gần ngang hàng" trong công nghệ AI.

Nhưng trên thực tế, Trung Quốc đã là một đối thủ toàn diện trong ứng dụng AI ở cả hai lĩnh vực thương mại và an ninh quốc gia.

Đại dịch đã tạo ra một cuộc thi sớm về khả năng huy động AI trên quy mô lớn của mỗi nước trong nỗ lực đối phó với mối đe dọa an ninh quốc gia.

Mỹ tuyên bố rằng họ đã triển khai công nghệ tiên tiến như một phần của cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19, nhưng hầu hết trong số đó, các công nghệ liên quan tới AI được sử dụng chủ yếu dưới dạng thông dụng.

[Tác động của AI với chính sách răn đe hạt nhân của Trung Quốc, Nga, Mỹ]

Điều này không giống những gì đang diễn ra ở Trung Quốc. Để ngăn chặn sự lây lan của virus, Trung Quốc đã phong tỏa toàn bộ dân số của tỉnh Hồ Bắc - 60 triệu người.

Con số này nhiều hơn số lượng cư dân của mọi tiểu bang ở khu vực bờ biển phía Đông nước Mỹ. Bắc Kinh duy trì việc kiểm soát một khu vực khổng lồ được cách ly bằng cách sử dụng các thuật toán được tăng cường hỗ trợ bởi AI để theo dõi sự di chuyển của người dân và mở rộng năng lực xét nghiệm, trong khi xây dựng các cơ sở chăm sóc sức khỏe mới.

Đại dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát vào dịp Tết Nguyên Đán 2020, giai đoạn giao thông đông đúc nhất. Tuy nhiên, các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc đã phản ứng nhanh chóng bằng cách thiết lập những ứng dụng với mã "tình trạng sức khỏe" để theo dõi sự di chuyển của cư dân và xác định xem cá nhân nào cần phải bị cách ly.

AI sau đó đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các nhà chức trách Trung Quốc thực thi kiểm dịch và mở rộng truy tìm người tiếp xúc trên diện rộng. Nhờ sở hữu một bộ dữ liệu quy mô lớn, các nhà chức trách tại Bắc Kinh đã thành công, trong khi Nhà Trắng lại thất bại.

Trong suốt thập kỷ trước, lợi thế về quy mô, thu thập dữ liệu và quyết tâm chiến lược của Trung Quốc đã cho phép quốc gia này thu hẹp khoảng cách với ngành công nghiệp AI của Mỹ.

Lợi thế mà Trung Quốc có được bắt đầu từ dân số 1,4 tỷ người, cung cấp nguồn tài năng vô song - thị trường nội địa lớn nhất trên thế giới - và một khối lượng dữ liệu khổng lồ được thu thập bởi các công ty và chính phủ, trong một hệ thống chính trị luôn đặt an ninh lên trước quyền riêng tư.

Trong bối cảnh đại dịch, khả năng và sự sẵn sàng của Trung Quốc để triển khai các công nghệ phục vụ cho giá trị chiến lược đã củng cố sức mạnh cứng của quốc gia này.

Dù muốn hay không, các cuộc chiến tranh thực sự trong tương lai sẽ do AI điều khiển. Như nhận định mà Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford đã đưa ra vào năm 2018: "Bất cứ ai có lợi thế so sánh trong công nghệ trí tuệ nhân tạo và có thể làm chủ được hệ thống do trí thông minh nhân tạo vận hành, rất có thể sẽ dành được lợi thế cạnh tranh tổng thể."

Cạnh tranh để cùng tồn tại

Liệu Trung Quốc có giành chiến thắng trong cuộc đua AI? Với dân số lớn gấp bốn lần so với Mỹ, không có nghi ngờ về việc quốc gia này sẽ là thị trường nội địa lớn nhất cho các ứng dụng AI, cũng như số lượng các dữ liệu và nhà khoa học máy tính lớn hơn rất nhiều lần.

Và vì Chính phủ Trung Quốc đã coi việc làm chủ công nghệ AI là một ưu tiên hàng đầu, nên có thể hiểu được tại sao một số người Mỹ lại tỏ ra bi quan. Tuy nhiên, Mỹ vẫn có thể cạnh tranh và dành chiến thắng trong lĩnh vực quan trọng này - nhưng chỉ khi người Mỹ có thể tỉnh táo trước thách thức.

Bước đi đầu tiên cần nhận thức rằng Mỹ đang đối mặt với một đối thủ cạnh tranh rất "khó chơi" trong một cuộc tỷ thí sẽ giúp quyết định tương lai. Mỹ không thể mong chờ trở thành lớn nhất, nhưng có thể sẽ là thông minh nhất.

Khi theo đuổi các công nghệ tiên tiến nhất, người ta thường cho rằng 0,0001% cá nhân sáng giá nhất tạo ra sự khác biệt quyết định. Trong khi Trung Quốc có thể huy động 1,5 tỷ người nói tiếng Trung Quốc trên khắp thế giới, thì Mỹ có thể tuyển dụng và tận dụng nhân tài từ nhiều quốc gia khác nhau, bởi vì nước này là một xã hội dân chủ và cởi mở.

Hơn nữa, trong khi Mỹ cạnh tranh mạnh mẽ để duy trì vị thế dẫn đầu về AI, nước này cũng cần phải nhận thức được sự cần thiết của việc hợp tác trong các lĩnh vực mà cả Mỹ và Trung Quốc đều không thể đảm bảo cho những lợi ích quốc gia tối thiểu của riêng mình nếu không có sự giúp đỡ từ bên ngoài.

COVID-19 là một trường hợp điển hình. Đại dịch đe dọa lợi ích quốc gia của mọi nước trên thế giới, kể cả Mỹ hay Trung Quốc đều không thể giải quyết một mình.

Trong việc phát triển và triển khai rộng rãi vắcxin, sự hợp tác ở một số cấp độ nhất định là cần thiết và điều đáng xem xét là liệu một nguyên tắc tương tự có nên áp dụng cho sự phát triển không bị hạn chế của AI hay không.

Ý tưởng rằng các quốc gia có thể cạnh tranh "một cách không khoan nhượng" và hợp tác mạnh mẽ cùng một lúc có vẻ là mâu thuẫn. Tuy nhiên, trong thế giới kinh doanh, điều này là đương nhiên. Apple và Samsung là hai đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường điện thoại thông minh toàn cầu, nhưng Samsung đồng thời cũng là nhà cung cấp linh kiện lớn nhất của iPhone.

Ngay cả khi AI và các công nghệ đỉnh cao khác sẽ đem tới một cuộc cạnh tranh "hai bên cùng thiệt hại" giữa Mỹ và Trung Quốc, thì sự đồng tồn tại vẫn có thể xảy ra, có thể không hoàn toàn thoải mái, nhưng vẫn tốt hơn là cùng hủy diệt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục