"Âm sắc màn đêm", góc nhìn mới về thời bao cấp

Là một trong 3 phim mới được công chiếu trong đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn: 30/4, 1/5, 7/5 và 19/5 năm nay, cùng với Đừng đốt (đạo diễn Đặng Nhật Minh) và Pha Đin mây phủ (đạo diễn Trần Vịnh), bộ phim Âm sắc màn đêm được xem là "thể nghiệm" của Bùi Tuấn Dũng trong việc cố gắng phá vỡ khoảng cách giữa phim nhựa và video.

Là một trong 3 phim mới được công chiếu trong đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn: 30/4, 1/5, 7/5 và 19/5 năm nay, cùng với Đừng đốt (đạo diễn Đặng Nhật Minh) và Pha Đin mây phủ (đạo diễn Trần Vịnh), bộ phim Âm sắc màn đêm được xem là "thể nghiệm" của Bùi Tuấn Dũng trong việc cố gắng phá vỡ khoảng cách giữa phim nhựa và video.

Không "ôn nghèo, kể khổ"

Đề tài không mới, cốt truyện không độc, cũng chẳng có nhiều chi tiết "đắt", nhưng chỉ sau vài cảnh "dạo đầu", Âm sắc màn đêm đã cuốn được người xem vào nhịp sống bình dị với đầy chất ám ảnh của cái thời "xếp hàng đong gạo, nước hứng từng xô".

Lấy bối cảnh thời bao cấp làm nền, nhưng các nhà làm phim không hẳn muốn lột tả cái nghèo, cái khổ của thời bao cấp; cũng không đả phá những tư tưởng lạc hậu, trì trệ với những hệ lụy xa xót của nó. Âm hưởng chung của phim là sự dung dị. Nghèo trong sự dung dị; đau trong sự dung dị; và hy vọng, khát khao cũng bình dị, chân chất niềm vui của một người hứng được xô nước đầy giữa cơ man nào là xô chậu xếp hàng chờ lượt.

Và trong không gian bình dị ấy, ống kính lướt chậm, đặc tả từng số phận trong căn hộ ngột ngạt bởi bất hạnh chồng lên bất hạnh. Ông Nhân, 70 tuổi, một cựu chiến binh trở về từ Điện Biên Phủ, mắc căn bệnh tim hiểm ác nhưng không có tiền chạy chữa; Đào, một cự thanh niên xung phong, chồng hy sinh ngoài mặt trận, lam lũ kiếm sống, cô con gái 16 tuổi nhiễm chất dioxin, bị bại liệt và sợ ánh sáng, thiểu năng trí tuệ; Hiếu, con trai út của Đào - niềm vui sống của ông Nhân, một khả năng âm nhạc đầy triển vọng đột nhiên mù hai mắt do chất dioxin trong người phát tác...

Là người giữ truyền thống gia phong, ông Nhân thà ôm bệnh chết chứ không bán bộ đồ thờ gia bảo lấy tiền đi viện. Nhưng rồi, ông lại quyết bán để lấy tiền mua cây đàn piano cho cháu. Bởi hơn ai hết, ông biết cây đàn sẽ là điểm tựa nâng đỡ tâm hồn cậu bé Hiếu trong cơn tuyệt vọng.

Hình ảnh ông Nhân dẫn người cháu mù đi gõ cửa khắp nơi xin học chữ, học đàn; đề nghị với bác sĩ làm sao kéo dài sự sống của mình đẻ có thêm thời gian dạy cháu cách sống tự lập trong sinh hoạt  cho tới khi thuần thục, khi không còn đôi mắt... thực sự khiến người xem rơi nước mắt.

Với những ai đã sống qua thời  bao cấp, hiển nhiên không quên hình ảnh những "con phe". Không ít bộ phim đã đề cập đến những hình ảnh này, tựu chung thể hiện cái chất đanh đá, gian manh, lọc lõi, cơ hội... của một bộ phận người tranh thủ kiếm sống và làm giàu từ những kẽ hở của cơ chế bao cấp. Nhưng trong Âm sắc màn đêm thì khác, 2 nhân vật "phe" trong phim được xây dựng như những "cái mầm" của cơ chế thị trường sau này. Đó là hình ảnh khởi nguồn cho những ông chủ doanh nghiệp thời đổi mới, người buôn Đông, người buôn Tây... nhưng ẩn chứa đằng sau sự thực dụng vẫn là những tấm lòng biết trắc ẩn trước bất hạnh của đồng loại.

Phá vỡ khoảng cách giữa phim video và phim nhựa

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nói: "Trên thế giới bây giờ, phim nhựa và phim quay bằng kỹ thuật số đã không còn là khoảng cách. Ngay ở Việt Nam, bộ phim Chơi vơi cũng được quay bằng kỹ thuật số. Với ý thức đó, tôi đã làm phim video Âm sắc màn đêm với cách làm của phim đầu tư kỹ thuật về mặt ngôn ngữ hình ảnh; chau chuốt  về bối cảnh. Hơn nửa năm tư duy; 1 tháng chuẩn bị để quay trong 10 ngày. Điều may mắn nhất của tôi khi làm phim này là đã tìm được diễn viên nhí - Chu Sơn Tùng đóng vai bé Hiếu".

Diễn xuất sinh động, có hồn, Chu Sơn Tùng đã thể hiện khá thành công hai trạng thái tâm lý của nhân vật Hiếu: hiếu động, lanh lợi khi  mắt sáng và đầy tâm trạng, với những cố gắng vượt lên số phận khi hai mắt đã mù. Chu Sơn Tùng, 12 tuổi đang học lớp 6 trường THPT Tân Trào (quận Hoàn Kiếm, Hà  Nội). Trước khi tham gia Âm sắc màn đêm, Sơn Tùng đã từng tham gia một số bộ phim. Cậu bé kể: "Khi xem lại vai diễn đã đóng, cháu cũng thấy cảm động ở những cảnh diễn bị mù".

Nói về diễn xuất của Sơn Tùng, diễn viên Đặng Trần Thụ (vai ông Nhân) cho biết: "Khi đọc kịch bản tôi rất lo lắng. Vai Hiếu là một vai khó, không biết liệu đạo diễn có tìm được người gánh vác vai này không. Thật may là Sơn Tùng đã vào vai "cháu tôi" một cách đầy thuyết phục. Chính tôi cũng bị cảm động bởi diễn xuất đầy sự nhập thân của Tùng. 
 

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục