Ấn Độ chuẩn bị thử nghiệm vắcxin phòng lao để chống COVID-19

Ấn Độ sẽ sử dụng một loại vắcxin phòng lao phổi cho trẻ sơ sinh để thử nghiệm trên người trưởng thành để xác định xem vắcxin này có tạo ra cơ chế miễn dịch chống lại SARS-CoV-2 hay không.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters/TTXVN)

Trong 2 tuần tới, Ấn Độ sẽ sử dụng một loại vắcxin phòng lao phổi cho trẻ sơ sinh để thử nghiệm trên người trưởng thành để xác định xem vắcxin này có tạo ra cơ chế miễn dịch chống lại chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) hay không.

Phóng viên TTXVN tại Ấn Độ cho biết loại thuốc sắp được thử nghiệm là vắcxin phòng bệnh lao BCG tái tổ hợp của Viện Huyết thanh Ấn Độ, được phát triển năm 1919 và đã được chứng minh an toàn trong quá trình sử dụng. Viện này có thể tạo ra từ 300-400 triệu liều.

Ông Adar Poonawalla, Giám đốc viện trên, cho biết vắcxin BCG tái tổ hợp sẽ tốt hơn vắcxin BCG hiện hành vì có đặc tính an toàn cao, có thể tiêm cho trẻ sơ sinh. vắcxin này đang được sử dụng ở hơn 100 quốc gia trên thế giới trong hơn 2 thập kỷ qua.

Theo kế hoạch, Viện Huyết thanh Ấn Độ sẽ tiến hành thử nghiệm vắcxin BCG tái tổ hợp trong vòng 2 tuần nữa để chứng minh khả năng tăng cường hệ miễn dịch ở người.

Các thử nghiệm sẽ được tiến hành ở Pune, thuộc bang Maharashtra và cũng là nơi đặt trụ sở của viện. Dự kiến sẽ có khoảng 2.000-3.000 người thuộc diện nguy cơ cao tham gia thử nghiệm này, bao gồm người cao tuổi, người mắc các bệnh nền như tiểu đường, hen suyễn, huyết áp cao và các nhân viên y tế.

[Ấn Độ ngừng xét nghiệm tìm kháng thể, Pakistan có gần 10.000 ca nhiễm]

Tuy nhiên, từ nay cho đến khi kết thúc thử nghiệm, Viện Huyết thanh Ấn Độ sẽ chưa đưa ra khuyến cáo sử dụng đối với loại vắcxin này. Bên cạnh Viện Huyết thanh Ấn Độ, khoảng 6 công ty dược phẩm ở nước này cũng đang phát triển một số loại vắcxin khác nhưng chưa đến giai đoạn thử nghiệm trên người.

Các chuyên gia y tế Ấn Độ dẫn một số nghiên cứu gần đây cho thấy những quốc gia không tiêm chủng BCG phổ cập có tỷ lệ mắc COVID-19 cao hơn những nước khác. Điển hình như Mỹ và Italy.

Trong một diễn biến khác liên quan, đồng Chủ tịch Quỹ Bill & Melinda Gates, tỷ phú Bill Gates ngày 22/4 đã viết thư ca ngợi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vì vai trò lãnh đạo của ông trong việc đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, trong bức thư, người đồng sáng lập Microsoft đã đánh giá cao các biện pháp chủ động được Thủ tướng Modi và chính phủ của ông triển khai để làm thẳng đường cong trên biểu đồ dịch tễ COVID-19 của Ấn Độ, như áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn quốc, mở rộng diện xét nghiệm có trọng điểm để xác định các điểm nóng cần phải cách ly, tăng đáng kể chi phí y tế nhằm nâng cao năng lực đáp ứng của hệ thống y tế, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển, cũng như đổi mới kỹ thuật số.

Tính đến 7 giờ sáng ngày 23/4 (giờ Việt Nam), COVID-19 đã lây lan tới 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 2.633.299 ca nhiễm, 183.930 ca tử vong và 717.284 người đã được điều trị khỏi bệnh.

Ấn Độ có 21.370 ca mắc COVID-19, trong đó 681 người tử vong và 4.370 người đã bình phục./

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Nhật Bản thành công với "canh bạc" tế bào gốc

Với hơn 110 tỷ yên (tương đương 760 triệu USD) đầu tư từ chính phủ, cùng hàng tỷ USD từ các nhà tài trợ tư nhân và doanh nghiệp, Nhật Bản đang dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực điều trị bằng tế bào gốc.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng nhiều loại độc tố từ môi trường có thể làm tăng nguy cơ mắc Parkinson, đặc biệt là thuốc trừ sâu. (Nguồn: Vietnam+)

Thuốc trừ sâu làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa BMJ dự đoán rằng số người mắc bệnh Parkinson trên toàn thế giới có thể tăng hơn gấp đôi - từ 11,9 triệu người vào 2021 lên hơn 25 triệu người vào 2050.

Các nhà kinh tế học người Mỹ nhận Giải Nobel 2024 (Ảnh: AA/TTXVN)

Mỹ đang phải đối mặt nguy cơ chảy máu chất xám

Trước các chính sách của Tổng thống Trump đối với lĩnh vực giáo dục, khoa học, nghiên cứu, ngày càng có nhiều nhà khoa học, trí thức nước này bắt đầu tìm kiếm cơ hội làm việc, phát triển ở nước ngoài.