Mặc dù bộ tiêu chuẩn Trao đổi Thông tin Tự động (AIE) toàn cầu đi vào thực hiện, song việc đưa trở lại số tiền từ các "thiên đường trốn thuế" như Thụy Sĩ sẽ không dễ.
Chính phủ của Ấn Độ đã thành lập Đội điều tra đặc biệt (SIT) nhằm tạo ra bước đột phá trong cuộc chiến tìm kiếm các khoản "tiền đen".
Theo Phó Chủ tịch SIT Arijit Pasayat, Thụy Sĩ cho đến nay dường như vẫn tạo rào cản trong trận chiến này. Hồi đầu tháng này, Thụy Sĩ lần đầu tiên chuyển giao thông tin một số khách hàng Ấn Độ có tài khoản tại các ngân hàng Thụy Sĩ sau những phàn nàn gần đây của giới chức trách Ấn Độ cho rằng Thụy Sĩ thiếu hợp tác trong cuộc chiến chống trốn thuế.
Tuy nhiên, sự mong đợi từ chính phủ mới của Ấn Độ là cao hơn mặc dù còn nhiều thách thức phải đối mặt. SIT được giao nhiệm vụ hoạch định một kế hoạch hành động toàn diện nhằm đưa ra cơ cấu mang tính thể chế để điều tra các tài sản không khai báo của các công dân Ấn Độ được gửi trong các ngân hàng nước ngoài. Theo ước tính, số tiền này lên tới 2.000-3.000 tỷ USD (1.800-2.700 tỷ franc Thụy Sĩ).
Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ (SNB) cho rằng khoảng hơn 4 tỷ franc Thụy Sĩ là tài sản của Ấn Độ được gửi ở các ngân hàng nước này trong năm ngoái, nhưng chưa có cách nào để biết được bao nhiêu trong số tiền trên đã được khai báo.
Chính phủ mới của Ấn Độ quan tâm đến việc cải thiện thành tích thu thuế của đất nước khi mà một phần đáng kể nguồn thu thuế bị rò rỉ ở nước ngoài bởi tiền thu thuế của Ấn Độ chỉ chiếm khoảng 15% tổng sản lượng kinh tế - so với tỷ lệ trung bình 40% của Liên minh châu Âu (EU).
Cách có lợi hơn cho Ấn Độ là sẽ sử dụng Tuyên bố của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) về việc tự động trao đổi thông tin trong vấn đề thuế, mà Thụy Sĩ đã thông qua vào tháng Năm. Tiêu chuẩn bắt buộc các quốc gia và vùng lãnh thổ có được thông tin tài khoản tài chính từ các tổ chức tài chính của họ và trao đổi thông tin tự động với các thể chế khác trên cơ sở hàng năm.
Phụ trách truyền thông tại Ban Thư ký Nhà nước về vấn đề tài chính quốc tế của Thụy Sĩ Mario Tuor cho rằng chính phủ Thụy Sĩ gần đây đã đáp ứng một số yêu cầu từ Ấn Độ. Nhưng những yêu cầu đó không được dựa trên các dữ liệu bị đánh cắp vì hiện pháp luật Thụy Sĩ không cho phép trao đổi thông tin dựa trên các yêu cầu bị đánh cắp.
Cách đây mấy năm, một cựu nhân viên công nghệ thông tin của ngân hàng HSBC đã đánh cắp thông tin của khoảng 24.000 khách hàng thuộc bộ phận quản lý tài sản tư nhân ở Thụy Sĩ. Ấn Độ đã thấy có 782 tên trong danh sách các khách hàng HSBC bị đánh cắp thông tin được trao cho các nhà chức trách nước ngoài./.