Ấn Độ nỗ lực bảo vệ người phụ nữ trước nạn hiếp dâm tập thể

Ấn Độ đã đưa ra những hình phạt nghiêm khắc cho những kẻ phạm tội hãm hiếp với mức án cao nhất là tử hình nếu nạn nhân là bé gái dưới 12 tuổi; thời hạn điều tra và xét xử cũng được đẩy nhanh hơn.
Tuần hành phản đối các vụ cưỡng bức tại Siliguri, Ấn Độ, ngày 7/12/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tuần hành phản đối các vụ cưỡng bức tại Siliguri, Ấn Độ, ngày 7/12/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Những ngày gần đây, dư luận Ấn Độ dậy sóng với các vụ án mới liên quan tới nạn hiếp dâm tập thể và nạn nhân bị sát hại dã man sau đó.

Trong vụ việc mới nhất ngày 5/12 vừa qua, một cô gái 23 tuổi là nạn nhân một vụ hiếp dâm tập thể đã bị chính những kẻ cưỡng hiếp mình tưới xăng vào người thiêu sống.

Do bị bỏng quá nặng, cô đã qua đời hai ngày sau đó tại một bệnh viện ở thủ đô New Delhi.

Theo cảnh sát, những kẻ thủ ác - gồm 5 tên - đã khống chế và thiêu sống nạn nhân khi cô đang trên đường tới tòa án để dự phiên xét xử vụ án hiếp dâm mà cô là bên nguyên.

Vụ việc xảy ra tại bang miền Bắc Uttar Pradesh. Các bác sỹ cho biết tới 95% cơ thể cô bị bỏng nặng và vô phương cứu chữa.

Ngày 6/12, cảnh sát Ấn Độ thông báo đã nổ súng tiêu diệt 4 người đàn ông tình nghi gây ra vụ hiếp dâm và sát hại một phụ nữ ở thị trấn Shadnagar thuộc bang Telangana khi các đối tượng này tìm cách trốn thoát trong quá trình thực nghiệm điều tra tại hiện trường của vụ án.

Một quan chức cảnh sát giấu tên cho biết các nghi phạm đã cướp súng của cảnh sát và tìm cách trốn thoát khi đang thực nghiệm hiện trường vụ án.

Trước đó, một người đi đường đã phát hiện thi thể của một phụ nữ 27 tuổi bị đốt cháy trong đường hầm gần thành phố Hyderabad sau khi cô được công bố mất tích vào đêm hôm trước.

Vụ án tàn bạo này đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình trên khắp Ấn Độ.

Hiếp dâm là vấn nạn tại Ấn Độ nhiều năm gần đây. Riêng năm 2017, cảnh sát bang này đã nhận được hơn 4.200 báo cáo về các vụ hiếp dâm.

[Nạn nhân cưỡng bức tập thể bị thiêu sống khi đang tới tòa án]

Số liệu của chính phủ cho biết trên phạm vi cả nước cũng ghi nhận 33.658 vụ cưỡng hiếp. Tuy nhiên, theo các nhà xã hội học, con số thực tế cao hơn nhiều do rất nhiều nạn nhân không tới cảnh sát trình báo do sợ bị đe dọa tính mạng.

Uttar Pradesh là bang đông dân nhất ở Ấn Độ và là "điểm đen" về nạn bạo hành phụ nữ. Trẻ em cũng là những nạn nhân của những kẻ biến thái.

Không chỉ riêng Ấn Độ, nước láng giềng Bangladesh cũng đối mặt với nạn bạo hành, tấn công tình dục phụ nữ.

Tháng Tư năm nay, cái chết của nữ sinh Nusrat Jahan Rafi, 19 tuổi, đã làm dấy lên làn sóng biểu tình đầy phẫn nộ trên khắp đất nước Bangladesh.

Cảnh sát xác nhận nữ sinh nói trên đã bị thiêu theo lệnh của hiệu trưởng ngôi trường cô theo học, sau khi cô tố cáo đối tượng này về hành vi quấy rối tình dục.

Rafi đã bị một nhóm người tấn công và yêu cầu cô rút lại đơn kiện quấy rối tình dục đã nộp cho cảnh sát. Khi cô từ chối, nhóm người này đã dùng dây vải trói cô lại, tẩm dầu lên người cô và châm lửa đốt.

Theo cảnh sát, 17 đối tượng liên quan đến cái chết của nữ sinh Rafi đã bị bắt giữ.

Một trong số những tên này khai rằng hiệu trưởng của trường đã ra lệnh tấn công Rafi và đe dọa buộc cô gái phải rút đơn kiện nếu không sẽ bị giết.

Điều đáng nói, trong số các đối tượng trên có 3 người chính là bạn học cùng lớp Rafi.

Nhóm đối tượng này đã cố gắng lên kịch bản sao cho sự việc giống như một vụ tự sát, nhưng âm mưu của chúng đã thất bại khi sợi dây vải mà chúng trói Rafi bị lửa làm đứt và do đó Rafi thoát ra được để kêu cứu.

Kiên quyết đối phó với vấn nạn này, năm ngoái, Hạ viện Ấn Độ đã thông qua một dự luật vô cùng quan trọng, theo đó sẽ tử hình những kẻ bị kết tội hiếp dâm trẻ em dưới 12 tuổi và giúp cho luật này trở nên nghiêm minh hơn đối với loại tội phạm tấn công tình dục kiểu như vậy.

Bộ luật hình sự hiện thời của Ấn Độ có quy định trừng phạt những kẻ bị kết tội hãm hiếp phụ nữ, nhưng chưa có quy định nào về trừng phạt những đối tượng phạm tội hãm hiếp hay hiếp dâm tập thể các bé gái dưới 16 hay 12 tuổi.

Những hình phạt nghiêm khắc đối với những kẻ phạm tội hãm hiếp được đưa ra, đặc biệt là đối với những bé gái dưới 12 tuổi, với mức án cao nhất là tử hình, trong khi mức án thấp nhất trong các vụ hãm hiếp phụ nữ đã tăng từ mức 7-10 năm tù lên mức chung thân.

Trong khi đó, thời hạn để điều tra và xét xử các vụ án hiếp dâm cũng được đẩy nhanh tiến độ, qua đó quá trình điều tra bắt buộc phải hoàn thành trong vòng 2 tháng và thời gian dành cho việc xét xử cũng tương tự như vậy.

Để đẩy nhanh tiến trình xét xử, Ấn Độ sẽ thành lập hơn 1.000 tòa án đặc biệt chuyên xét xử các vụ án hiếp dâm.

Theo Bộ trưởng Bộ Phát triển trẻ em và nữ giới Smriti Irani, chi phí vận hành các tòa án này sẽ là khoảng 110 triệu USD, trong đó có 68 triệu USD trích từ ngân sách chính phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục