Ấn Độ sắp triển khai sứ mệnh nghiên cứu Mặt Trời đầu tiên

Thông qua Aditya-L1, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu thêm về gió Mặt Trời, nguyên nhân dẫn đến các trận bão từ và có liên hệ trực tiếp đến hiện tượng cực quang trên Trái Đất và trên các hành tinh khác.
Ấn Độ sắp triển khai sứ mệnh nghiên cứu Mặt Trời đầu tiên ảnh 1Ngày 2/9, ISRO sẽ phóng Tên lửa PSLV mang theo Vệ tinh Aditya-L1 vào không gian. (Nguồn: ISRO)

Ngày 28/8, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) thông báo sẽ triển khai Sứ mệnh Nghiên cứu Mặt Trời đầu tiên của nước này vào ngày 2/9.

Theo kế hoạch, ngày 2/9, ISRO sẽ phóng Tên lửa PSLV mang theo Vệ tinh Aditya-L1 vào không gian từ sân bay vũ trụ chính ở Sriharikota, bang Andhra Pradesh.

Trên mạng xã hội X (trước là Twitter), ISRO cho biết Aditya-L1 sẽ mất khoảng 4 tháng để di chuyển từ điểm phóng đến điểm lý tưởng để quan sát Mặt Trời, nằm cách Trái Đất 1,5 triệu km, còn gọi là điểm L-1 (Điểm Langrange).

Thông qua Aditya-L1 - tàu thăm dò Mặt Trời đầu tiên của Ấn Độ, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu thêm về gió Mặt Trời, là nguyên nhân dẫn đến các trận bão từ và có liên hệ trực tiếp đến hiện tượng cực quang trên Trái Đất và trên các hành tinh khác.

[Ấn Độ: Tàu đổ bộ chia sẻ hình ảnh đầu tiên về Mặt Trăng]

Aditya L-1 sẽ mang theo 7 thiết bị để nghiên cứu bầu khí quyển của Mặt Trời, các cơn bão từ của Mặt Trời và tác động của nó đối với môi trường xung quanh Trái Đất.

Sứ mệnh Nghiên cứu Mặt Trời của ISRO được công bố chỉ vài ngày sau khi Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh thành công Tàu thám hiểm Chandrayaan-3 ở điểm gần cực Nam Mặt Trăng.

Nhắc lại lời của Thủ tướng Narendra Modi, Giám đốc ISRO, ông S. Somanath tuyên bố “kỷ nguyên vàng” của chương trình không gian của Ấn Độ chỉ mới bắt đầu.

ISRO chưa công bố chi phí thực hiện Sứ mệnh Nghiên cứu Mặt Trời này. Sứ mệnh Nghiên cứu Mặt Trăng vừa qua có vốn đầu tư khoảng 75 triệu USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục