An Giang: Rộn ràng mùa "lấy mật giữa lưng chừng trời"

Nước thốt nốt dùng để nấu đường được lấy từ bông, chứ không phải trong trái. Cây thốt nốt rất cao, có cây cao trên 15m, người dân sẽ leo lên làm việc ở lưng chừng trời để cắt cuống bông, hứng nước.

Người dân trèo lên ngọn cây để lấy nước thốt nốt về nấu đường. (Ảnh: Công Mạo/ TTXVN)
Người dân trèo lên ngọn cây để lấy nước thốt nốt về nấu đường. (Ảnh: Công Mạo/ TTXVN)

Vùng Bảy núi An Giang đang vào cao điểm mùa khô, giữa cái nắng oi bức đến khó chịu của vùng biên giới Tây Nam, những hàng thốt nốt vẫn sừng sững vươn cao, lặng lẽ “làm mật” cho đời.

Mùa “lấy mật” ở lưng chừng trời

Từ tháng 11 năm trước đến tháng 6 năm sau (Âm lịch) là rộ mùa thốt nốt. Người Khmer ở huyện miền núi Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên (tỉnh An Giang) tranh thủ trèo cây hứng nước nấu đường thốt nốt - đặc sản chỉ duy nhất có ở miền Tây.

Giữa cái nắng hanh khô của những ngày tháng 4, len lỏi qua những con đường đất nhỏ đầy bụi, dẫn vào các phum, ấp ở thị xã biên giới Tịnh Biên, từng làn khói đã phảng phất trên những mái nhà, mang hương thơm ngào ngạt của đường thốt nốt.

Tại mỗi phum, ấp, những hàng thốt nốt cao vút, mọc xen kẽ trên bờ của những thửa ruộng khô cằn. Lần theo mùi hương đó, chúng tôi ghé vào thăm gia đình anh Chau Rum (ở phường An Phú, thị xã Tịnh Biên, An Giang), khi anh đang đổ mẻ đường thốt nốt vừa nấu xong ra khỏi chảo.

Anh Chau Rum cho biết hằng ngày từ 5 giờ sáng, anh đã chuẩn bị đầy đủ kẹp, chai nhựa… men theo những con đường mòn ra cánh đồng thốt nốt gần nhà, rồi leo lên ngọn cây để lấy nước mang về nấu đường.

TTXVN_1704thotnot5.jpg
Công đoạn nấu đường thốt nốt. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Theo anh Chau Rum, cây thốt nốt trên 10 năm tuổi mới ra bông, tuy nhiên chỉ cho bông trong khoảng 3- 4 tháng và cho nước với trữ lượng đường rất ít. Thốt nốt có tuổi thọ cao, cây càng già càng cho nhiều nước, sản lượng mỗi năm tăng thêm và có trữ lượng đường cao.

Cây thốt nốt 30-40 năm tuổi hầu như ra bông, cho trái và nước quanh năm. Vào thời điểm mùa khô hạn, nước thốt nốt rất ngọt, sản lượng đường thu được nhiều hơn, người dân nơi đây bước vào mùa khai thác.

“Nước thốt nốt được lấy từ bông, chứ không phải trong trái. Cây thốt nốt rất cao, có cây cao trên 15m, phải dùng những cây tre dài, có nhiều nhánh làm thang để leo lên ngọn. Để lấy nước phải cắt phần ngọn những cuống bông, nước từ cuống bông sẽ chảy ra. Sau đó, dùng ống tre hoặc bình nhựa để hứng sẵn. Do đó, việc leo cây thốt nốt lấy nước không phải ai cũng làm được, chỉ cần sơ suất nhỏ rất dễ xảy ra tai nạn. Người ta nói nghề này là ăn cơm dưới đất làm việc ở lưng chừng trời,” anh Chau Run chia sẻ.

Mỗi ngày, người lấy nước thốt nốt sẽ leo lên lấy nước, đổi bình hai lần và tiếp tục công đoạn cắt cuống bông thốt nốt dần cho đến khi hết bông. Với hơn 30 cây thốt nốt của gia đình và thuê của người dân địa phương, trung bình mỗi ngày, anh Chau Rum lấy được khoảng 150 lít nước, nấu ra từ 23-25kg đường, bán với giá từ 25.000-40.000/kg, mang lại nguồn kinh tế đáng kể cho gia đình.

“Nước thốt nốt lấy về phải nấu liền, nếu không sẽ chua, không thể nấu đường được. Vì vậy, phải xây lò nấu đường gần nơi lấy nước để thuận tiện. Nước thốt nốt sau khi lấy xuống phải lọc qua miếng màng mỏng cho sạch bông, bụi và côn trùng.

"Sau đó, cho vào chảo lớn, nấu khoảng 6-7 tiếng là cô đặc thành đường,” chị Neang Nô Xanh (vợ anh Chau Rum) tiếp lời. Theo chị Neang Nô Xanh, mùa nắng thì 6-7 lít nước thốt nốt nấu được 1kg đường, còn mùa mưa phải nấu khoảng 10 lít nước mới được 1kg đường.

Người có kinh nghiệm chỉ cần nếm nước thốt nốt là biết được hàm lượng của đường bên trong. Mẻ đường chất lượng hay không tùy thuộc vào kinh nghiệm của người nấu. Trong lúc nấu phải khuấy và vớt bọt liên tục. Nấu đến khi đường có màu vàng tươi đặc trưng là đạt yêu cầu, sau đó nhắc chảo ra khỏi lò để tránh bị khét.

Vào mùa nấu đường thốt nốt ở An Giang, nếu có dịp đi ngang những nẻo đường quê vùng Bảy Núi, du khách nên mua một vài cân đường thốt nốt về làm quà tặng cho người thân, bởi đường thốt nốt được sản sinh từ đất, từ nắng của vùng Bảy Núi, luôn ẩn chứa hương vị rất riêng.

Sau cùng, du khách nếu có thể thưởng thức một ly nước thốt nốt lạnh giữa ngày hè oi ả, với vị ngọt nhẹ kết hợp với hạt thốt nốt tươi, sẽ là một cảm giác tuyệt vời, khó tả.

Bảo tồn, phát huy nghề truyền thống

Cây thốt nốt có tên khoa học là Borassus Flabellifer, sinh trưởng rất nhiều tại các nước vùng Nam Á và Đông Nam Á như Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Malaysia...

Tại An Giang, cây thốt nốt được trồng nhiều ở huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, trở thành nét đặc trưng riêng có của miền đất Phương Nam. Với người dân Khmer vùng Bảy núi An Giang, thốt nốt là giống cây "trời ban."

TTXVN_1704thotnot6.jpg
Chế biến đường thốt nốt tại cơ sở đường thốt nốt Lan Nhi, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/ TTXVN)

Tất cả những bộ phận của cây thốt nốt đều được người dân tận dụng, nước lấy từ cây nấu đường, làm bánh, kết hợp chế biến với các món ăn; thân cây già làm đồ mỹ nghệ, trang trí nội thất… qua đó, góp phần cải thiện đời sống của gia đình.

Theo ông Trương Bá Trạng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, cây thốt nốt không chỉ đơn thuần mang đến giá trị kinh tế cho người dân, nó còn chứa đựng giá trị văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa của người dân Khmer, góp phần bảo tồn và phát huy nghề truyền thống địa phương.

Những năm qua, cây thốt nốt giúp nhiều gia đình Khmer ở An Giang nói chung và đồng bào Khmer sinh sống ở huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên nói riêng thoát nghèo, đời sống người dân cũng nhờ thốt nốt mà ngày càng khấm khá. Hiện nay, cây thốt nốt không chỉ nổi tiếng với mật ngọt để nấu đường, mà còn tạo ra nhiều sản phẩm khác như: rượu thốt nốt, nước thốt nốt, chè, thạch thốt nốt, bánh bò thốt nốt, thốt nốt rim, mứt thốt nốt, nước màu thốt nốt… được hỗ trợ phát triển thành sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Toàn thị xã Tịnh Biên có 305 cơ sở sản xuất đường thốt nốt, với 780 lao động trực tiếp tham gia sản xuất, mỗi năm cho sản lượng 3.138 tấn. Sản phẩm đường thốt nốt cung cấp số lượng lớn cho thị trường trong và ngoài tỉnh…, một số được xuất khẩu qua thị trường Australia, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ...

Nhằm phát triển và nâng cao giá trị cây thốt nốt, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành kế hoạch “Vùng sản xuất, chế biến thốt nốt theo hướng hữu cơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.”

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, số lượng cây thốt nốt được khai thác sản xuất sản phẩm hữu cơ đạt từ 200 cây, đến năm 2030 đạt 500 cây (cây trên 40 năm tuổi). Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặt các mục tiêu cụ thể như sản phẩm từ các mô hình sản xuất hữu cơ được doanh nghiệp liên kết tiêu thụ 80% vào năm 2025, đạt 100% vào năm 2030.

Định hướng đến năm 2030, tỉnh sẽ hình thành vùng sản xuất thốt nốt hữu cơ tại huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên; phát triển chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ thốt nốt hữu cơ phục vụ nhu cầu trong nước, hướng đến xuất khẩu; phát triển sản phẩm thốt nốt hữu cơ có giá trị gia tăng, được chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ trong nước, an toàn cho người sử dụng; từng bước xây dựng thương hiệu thốt nốt hữu cơ An Giang, góp phần cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho nông dân.

Đặc biệt, mới đây, nghề làm đường thốt nốt của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống.

Không chỉ thế, ngày nay, nhiều bạn trẻ còn thành lập nhiều kênh bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử để bán sản phẩm đường thốt nốt của địa phương.

Đây là cơ sở giúp người dân giữ gìn và gắn bó với nghề truyền thống, vừa có được kinh tế ổn định, góp phần lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của vùng Bảy Núi An Giang./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục