An táng 14 hài cốt liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp

Các đại biểu đã thành kính dâng hương, dâng hoa và mặc niệm, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Anh hùng Liệt sỹ đã chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
An táng 14 hài cốt liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp ảnh 1An táng hài cốt liệt sỹ. (Nguồn: TTXVN)

Chiều 6/9, tại Nghĩa trang Liệt sỹ Dốc Lim (thành phố Thái Nguyên), Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Thái Nguyên và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Lễ cất bốc, truy điệu, an táng 14 hài cốt liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp, quy tập tại tổ 16, phường Hương Sơn, thành phố Thái Nguyên.

Trong không khí trang nghiêm, thiêng liêng, các đại biểu đã thành kính dâng hương, dâng hoa và mặc niệm, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Anh hùng Liệt sỹ đã chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Ngay sau lễ viếng là lễ truy điệu và an táng 14 hài cốt liệt sỹ về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Liệt sỹ Dốc Lim.

Trong thời kỳ 1945-1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta diễn ra gay go ác liệt.

[Truy điệu, an táng hài cốt liệt sỹ hy sinh tại vùng U Minh Thượng]

Thực dân Pháp thực hiện âm mưu "Đánh nhanh, thắng nhanh," mở các cuộc tấn công lớn lên Việt Bắc nhằm đập tan cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta, khóa chặt biên giới Việt-Trung ngăn chặn sự liên hệ giữa ta với quốc tế, phá hoại kinh tế, khủng bố nhân dân, thúc đẩy thành lập chính quyền thực dân toàn quốc, nhanh chóng kết thúc cuộc chiến.

Mở đầu là cuộc tấn công lên Việt Bắc-Thu Đông 1947.

Thành phố Thái Nguyên là địa bàn mà các đơn vị 246, 426, 538 và Bệnh viện Quân đội Trung du đóng quân, làm nhiệm vụ chiến đấu chống lại những cuộc tiến công của giặc.

Trong các cuộc chiến đấu, nhiều chiến sỹ đã hy sinh, nhiều người bị thương được đồng đội và nhân dân đưa vào bệnh viện dã chiến của đơn vị trung du đóng quân tại xã Cam Giá (nay là phường Cam Giá, thành phố Thái Nguyên) để điều trị vết thương. Vì vết thương quá nặng, nhiều chiến sỹ đã hy sinh.

Các chiến sỹ được đơn vị và nhân dân địa phương an táng tại khu vực rừng Lau và Núi Quán thuộc xã Cam Giá, sau đó được chính quyền xã Cam Giá cải táng đưa về án táng tại Gò Chè của xã Cam Giá.

Đến tháng 10/1964, do phải xây dựng trận địa pháo phòng không tại khu vực này để chuẩn bị cho chiến dịch chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, chính quyền và nhân dân đã di chuyển các các liệt sỹ về an táng tại gò Cây Châm thuộc tổ 16, phương Hương Sơn, thành phố Thái Nguyên.

Do chiến tranh, đến nay cũng chưa xác định được tên tuổi và người thân cũng như quê quán của các liệt sỹ.

Gần 70 năm yên nghỉ, phần mộ của các liệt sỹ luôn được các cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương thường xuyên chăm sóc.

Việc tổ chức Lễ truy điệu và an táng 14 hài cốt Anh hùng Liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Dốc Lim đã thể hiện trách nhiệm, tình cảm, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, góp phần cùng với cả nước giải quyết tốt các chính sách còn tồn đọng sau chiến tranh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục