Ẩn ý sâu xa của việc Trung Quốc tăng cường giám sát các ngành nghề

​Số liệu thống kê cho thấy từ tháng 11/2020 đến nay, Trung Quốc ban hành hơn 50 quy định quản lý giám sát mới liên quan đến các lĩnh vực chống độc quyền, an ninh mạng và dữ liệu, giáo dục, tài chính.
Ẩn ý sâu xa của việc Trung Quốc tăng cường giám sát các ngành nghề ảnh 1Công nhân một nhà máy ở Trung Quốc. (Nguồn: Qz)

Các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Trung Quốc và toàn cầu gần đây đều "lao dốc." Kể từ tháng Sáu đến nay, chỉ số MSCI China Index đã giảm 20% và nếu tính từ mốc cao điểm vào tháng Hai, thì biên độ sụt giảm đã lên đến 30%.

Nguyên nhân chủ yếu là do Trung Quốc tăng cường giám sát đối với ngành công nghệ và lĩnh vực dạy thêm, động thái khiến thị trường hoang mang. 

Lời cảnh cáo giành cho các "ông lớn"

 Số liệu thống kê cho thấy từ tháng 11/2020 đến nay, Trung Quốc đã ban hành hơn 50 quy định quản lý giám sát mới liên quan đến các lĩnh vực chống độc quyền, an ninh mạng và dữ liệu, giáo dục, tài chính và công bằng xã hội.

Tính bình quân, mỗi tuần Bắc Kinh áp dụng ít nhất một hành động giám sát mới, tần suất vượt xa so với các năm trước đó. Hơn nữa, mỗi biện pháp giám sát mới đều gây thiệt hại nặng cho thị trường tài chính.

Chẳng hạn, Ant Financial đã phải ngừng kế hoạch Phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 11/2020, tập đoàn mẹ của công ty này là Alibaba bị phạt 18,2 tỷ nhân dân tệ (NDT) do vi phạm Luật chống độc quyền vào tháng Tư năm nay.

Đến tháng 6/2021, sau khi được niêm yết trên thị sàn giao dịch chứng khoán New York, Didi Chuxing đã bị điều tra về hành vi vi phạm an ninh mạng.

Tháng Bảy, những quy định mới nhằm chấn chỉnh ngành giáo dục đào tạo ra đời không chỉ "bóp nghẹt" không gian luân chuyển vốn của ngành dạy thêm, mà còn gây ra một cơn hoảng loạn tập thể đối với việc hạn chế phương thức đầu tư "kiểm soát thỏa thuận."

Tháng Tám, Tencent bị ép hạn chế thời lượng trò chơi di động, trong khi việc Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin Trung Quốc quy định dữ liệu ô tô kết nối thông minh phải được lưu trữ ở trong nước đã khiến thị trường lo ngại về sự phát triển ở bên ngoài của các công ty như ByteDance và Tencent.    

Những ngành nghề chịu ảnh hưởng từ các quy định giám sát mới khá đa dạng, mục đích là nhằm tăng cường giám sát trong các lĩnh vực từ an ninh quốc gia cho đến sức khỏe học sinh, công bằng kinh tế, không khí xã hội…

Hiện nay, nếu nhìn lại, làn sóng tăng cường giám sát các lĩnh vực này nhiều khả năng sẽ không kết thúc trong ngắn hạn, mà còn vận động từ trên xuống dưới, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội giai đoạn tới của doanh nghiệp Trung Quốc, cũng như kế hoạch định hình lại mối quan hệ giữa doanh nghiệp Trung Quốc với chính phủ và người dân.     

Những động thái giám sát dồn dập đối với các ngành nghề gần đây của Trung Quốc một phần nhằm đảm bảo các doanh nghiệp phục vụ nhiều hơn những vấn đề được quan tâm trên lĩnh vực kinh tế, xã hội và an ninh quốc gia.

Sự phát triển của doanh nghiệp Trung Quốc trước đây, hay việc "lấy lòng" các nhà đầu tư nước ngoài đều sẽ không còn là lựa chọn ưu tiên. Đồng thời, trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung, Trung Quốc lo ngại phương Tây thông qua sức mạnh thị trường và sử dụng dữ liệu để tác động đến sự phát triển của ngành khoa học công nghệ và an ninh quốc gia Trung Quốc, thậm chí làm lung lay nền tảng cầm quyền. Do đó, Bắc Kinh đưa những công ty Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ vào danh sách tăng cường giám sát lần này. 

Mục tiêu cân bằng xã hội

 Thứ hai, tại kỳ họp Lưỡng hội vào tháng Ba năm nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố thoát nghèo toàn diện, đưa Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người đạt trên 10.000 USD và thực hiện mục tiêu xã hội khá giả. Tuy nhiên, gắn liền với kinh tế tăng trưởng nhanh trong một thời gian dài là những vấn đề xã hội đã tích tụ và chuyển biến xấu, cần phải giải quyết khẩn cấp. 

Sau khi đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế mang tính giai đoạn, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong điều hành quản trị của Chính phủ Trung Quốc được chuyển từ theo đuổi tăng trưởng sang xử lý các vấn đề xã hội như chênh lệch giàu nghèo, giá nhà tăng cao, tỷ lệ sinh giảm…, chẳng hạn thông qua điều tra chống độc quyền để tìm cách cải thiện hiện trạng của lĩnh vực thương mại điện tử và việc các ông lớn công nghệ tiếp tục lũng đoạn thị trường. Trong bối cảnh đó, "gã khổng lồ" thương mại điện tử Alibaba đã phải chịu nhiều tác động tiêu cực. 

Việc ban hành các quy định mới để bảo đảm quyền lợi của nhân viên giao hàng, bên cạnh tăng cường sự bảo đảm của doanh nghiệp đối với lao động, cũng đồng thời khiến cho giá cổ phiếu của nền tảng giao đồ ăn lớn nhất Trung Quốc Meituan ở Hong Kong sụt giảm mạnh.

Quy định mới đối với ngành dạy thêm cũng lặp lại tình trạng tương tự như vậy, về danh nghĩa là muốn thông qua quy định mới để giảm nhẹ gánh nặng cho phụ huynh và học sinh, nhưng trên thực tế lại đánh vào chênh lệch giàu nghèo, mong muốn cải thiện vấn đề tỷ lệ sinh giảm, quan tâm đến công bằng xã hội.   

[Châu Á - "Đòn bẩy" của Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc]

Đương nhiên, trong lịch sử phát triển kinh tế cận đại cũng không thiếu những tranh cãi giữa tư bản nước nước ngoài và an ninh quốc gia. Tuy nhiên, nếu nói về năng lực thực thi thì Trung Quốc đứng đầu. Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng được khởi động từ năm 2012, với việc quản lý giám sát toàn diện các tổ chức giáo dục đào tạo bên ngoài nhà trường, tạm ngưng phát hành các trò chơi điện tử, những quy định liên quan đến thuốc, quản lý giám sát công nghệ, mạng Internet, giáo dục… từ năm 2018 đến nay đều là những minh chứng cụ thể. 

Do đó, khi đánh giá tiềm lực phát triển kinh tế và các ngành công nghiệp của Trung Quốc, nhà đầu tư nên coi những xáo trộn gây nên từ việc thay đổi chính sách giám sát trong những năm gần đây là một trong những cân nhắc quan trọng cho việc ra quyết định đầu tư./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục