Cơ quan Giám sát Cạnh tranh Anh ngày 22/2 thông báo đang lên kế hoạch tiến hành hàng loạt cuộc điều tra bất khả tín nhằm vào các công ty công nghệ lớn trong đó có Google và Amazon trong năm nay.
Thông báo trên là động thái mới nhất trong chuỗi hành động tăng cường rà soát các hoạt động của các công ty công nghệ Mỹ.
Cơ quan Quản lý Thị trường và Cạnh tranh Anh (CMA) cuối năm nay sẽ có thêm đơn vị mới phụ trách các thị trường số (DMU) với chức năng cảnh sát các công ty công nghệ và có quyền ra lệnh phạt trị giá hàng tỷ bảng Anh đối với những vi phạm.
Giám đốc điều hành CMA, ông Andrea Coscelli cho biết hiện nay có một số vụ vi phạm quy định tại EU trong đó có bao gồm cả tại thị trường Anh, do vậy để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Anh sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ quản lý giám sát hiện nay cho đến khi DMU thành lập.
Ông cũng cho biết thêm sau Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu), các hoạt động điều tra của CMA là hoàn toàn độc lập nhưng Anh sẽ vẫn tiếp tục cùng với EU để điều tra chung một số trường hợp ít nhất là cho đến tận 2022.
DMU sẽ đưa ra bộ nguyên tắc dựa trên "cạnh tranh bình đẳng, tin cậy và minh bạch" để áp dụng cho các công ty có vị thế thị trường chiến lược. Mặc dù hiện nay chưa có một hãng công nghệ nào chính thức được công nhận là có vị thế thị trường chiến lược, những tiêu chuẩn để công nhận đó là những công ty có doanh thu hơn 1 tỷ bảng tại thị trường Anh mỗi năm hoặc 25 tỷ USD trên phạm vi toàn cầu. Google đạt doanh thu hằng năm trên toàn cầu là 160 tỷ USD trong khi Facebook đạt hơn 70 tỷ USD.
[Facebook có thể bị kiện tập thể vì hành vi xóa tin tức]
Ông Coscelli cho biết DMU sẽ chủ động tích cực kiểm tra giám sát các công ty công nghệ, tiếp nhận các đơn khiếu nại và có thể tiến hành đơn phương hoặc phối hợp với các bên khác để tiến hành các điều tra, ông cho rằng sẽ có nhiều vụ điều tra được mở ra nữa trong năm nay.
Các hoạt động mua lại của các công ty công nghệ cũng được kỳ vọng là sẽ bị giám sát kỹ lưỡng cẩn trọng. Trong thời gian 2016-2018, các công ty công nghệ khổng lồ gồm Google, Facebook, Amazon, Microsoft và Apple đã tiến hàn 400 thương vụ mua lại nhưng chỉ có rất ít vụ rơi vào tầm ngắm xem xét đánh giá của cơ quan giám sát cạnh tranh của Anh, và không có bất cứ giao dịch mua bán nào bị chặn lại.
Các công ty công nghệ tại thung lũng Silicon đang đối mặt sự gia tăng giám sát từ các cơ quan quản lý trên thế giới, EU đang tiến hành điều tra các hoạt động của một số công ty trong đó có Apple và Amazon.
Hồi tháng 11/2020, Bộ Tư pháp Mỹ đã cùng 11 bang của Mỹ kiện Google, cáo buộc công ty này đã hành động bất hợp pháp để duy trì vị thế thống lĩnh của họ trên các hoạt động tìm kiếm trên mạng Internet và hoạt động quảng cáo.
Hồi tháng 12/2018, người sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg đe dọa sẽ rút khỏi đầu tư ra khỏi Anh nếu Chính phủ Anh không giảm bớt cứng rắn về các quy định đối với các công ty công nghệ Mỹ.
Khi đó ông Matt Hancock là bộ Trưởng Văn hóa Anh đã có cuộc họp với ông Mark Zuckerberg, nhất trí Anh sẽ chuyển từ việc đưa ra những quy định mang tính đe dọa sang hướng khuyến khích hai bên cùng hợp tác để đảm bảo quy định pháp lý đưa ra là phù hợp và sáng tạo thân thiện./.