Hệ thống thị thực việc làm của Anh dành cho sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp có khả năng thúc đẩy nhập cư với mức lương thấp thay vì thu hút các tài năng toàn cầu vào các công việc trình độ cao.
Theo phóng viên TTXVN tại London, nhận định trên được đưa ra trong báo cáo được Ủy ban tư vấn nhập cư (MAC), cơ quan tư vấn độc lập của chính phủ Anh, công bố ngày 12/12.
Báo cáo nêu rõ việc áp dụng cơ chế thị thực cho phép sinh viên quốc tế và người phụ thuộc ở lại Anh làm việc trong 2 năm sau khi tốt nghiệp khiến Vương quốc Anh trở thành "điểm đến hấp dẫn hơn nhiều” đối với những người muốn tham gia vào thị trường lao động của nước này.
Mặc dù vậy, theo MAC, cơ chế này không đảm bảo thu hút các sinh viên tài năng làm các công việc trình độ cao tại Anh sau khi tốt nghiệp.
MAC cho biết, ngay cả trước khi cơ chế thị thực này được áp dụng vào năm 2021, sinh viên quốc tế tốt nghiệp thạc sỹ tại Anh đã làm việc với mức lương thấp trong năm đầu sau khi tốt nghiệp, và thu nhập tăng chút ít sau 5 năm. Kể từ đó, số lượng sinh viên quốc tế đến Anh tăng cao do các trường đại học chi phí thấp đề ra yêu cầu tuyển sinh ít khắt khe hơn.
EU thông qua dự luật miễn thị thực ngắn hạn cho công dân Anh
MAC cho rằng một bộ phận những sinh viên quốc tế tốt nghiệp và ở lại Anh theo cơ chế thị thực này sẽ nằm trong nhóm người lao động có mức lương thấp.
Báo cáo của MAC khiến các trường đại học lo ngại có thể sớm phải đối mặt với việc thu hẹp hơn nữa thị thực cho sinh viên quốc tế, trong bối cảnh Thủ tướng Rishi Sunak đang nỗ lực giảm số lượng người nhập cư ròng cao kỷ lục.
Số sinh viên tăng là một nguyên nhân khiến số lượng người nước ngoài đến Anh tăng, với hơn 620.000 thị thực sinh viên được cấp trong năm 2022. Tỷ lệ sinh viên đến cùng gia đình và ở lại Anh lâu hơn cũng đang tăng.
Tuần trước, Bộ trưởng Nội vụ James Cleverly cho biết đã yêu cầu MAC xem xét cơ chế cấp thị thực cho sinh viên tốt nghiệp như một phần trong kế hoạch giảm nhập cư của chính phủ.
Ông Cleverly khẳng định mục đích nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục đại học của Anh, đồng thời phục vụ lợi ích tốt nhất của đất nước để thu hút nhân tài toàn cầu vào những công việc trình độ cao.
Các trường đại học tại Anh ngày càng phụ thuộc vào sinh viên quốc tế, vốn đóng học phí cao hơn so với sinh viên trong nước, để có ngân sách cho việc giảng dạy và nghiên cứu.
Với học phí thu từ sinh viên quốc tế hiện chiếm gần 20% thu nhập, các trường đại học lo ngại những hạn chế mới đối với sinh viên thạc sĩ trong việc đưa gia đình đến Anh sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tuyển sinh quốc tế.
Giám đốc điều hành tổ chức Universities UK, Vivienne Stern, cho rằng cơ chế thị thực việc làm sau tốt nghiệp dành cho sinh viên là một phần thiết yếu trong chính sách thu hút nhân lực của Anh, do đó cần bác bỏ mọi đề xuất yêu cầu hủy bỏ cơ chế này./.