Anh muốn có một thỏa thuận thương mại đặc biệt với EU

Anh mong muốn đàm phán về một thỏa thuận thương mại đặc biệt trong tương lai với Liên minh châu Âu (EU), thay vì sao chép các thỏa thuận hiện hành như giữa EU với Canada.
Anh muốn có một thỏa thuận thương mại đặc biệt với EU ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Anh mong muốn đàm phán về một thỏa thuận thương mại đặc biệt trong tương lai với Liên minh châu Âu (EU), thay vì sao chép các thỏa thuận hiện hành như giữa EU với Canada.

Phát biểu với báo giới tại Bắc Kinh ngày 16/12 nhân chuyến thăm Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond​ cho biết có thể không cần thiết phải nghĩ đến các mô hình hiện hành như thỏa thuận thương mại EU-Canada, bởi sự hội nhập thương mại với 27 quốc gia EU đã ở một mức độ nhất định, không giống với bất cứ đối tác nào khác mà EU từng ký thỏa thuận thương mại.

Ông nhấn mạnh Anh muốn thảo luận các thỏa thuận đặc biệt, không phải là bản sao của của mô hình với Canada hay Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA), mà là một thỏa thuận dựa trên nền tảng cơ bản là quan hệ vốn có giữa Anh và EU.

Bộ trưởng Hammond đưa ra tuyên bố trên một ngày sau khi các lãnh đạo EU chính thức quyết định chuyển sang giai đoạn hai cuộc đàm phán về việc Anh rời EU, còn gọi là Brexit.

Giai đoạn mới dự kiến được bắt đầu từ tháng 1/2018, và sẽ thảo luận về một giai đoạn chuyển tiếp, cũng như một thỏa thuận thương mại giữa hai bên sau thời điểm Brexit vào tháng 3/2019.

Tại hội nghị thượng đỉnh EU vừa kết thúc, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết khối thương mại lớn nhất thế giới này sẽ tiến hành "các cuộc tiếp xúc thăm dò" với Anh về những mong muốn của London trong một mối quan hệ thương mai tương lai, cũng như bắt đầu thảo luận về giai đoạn chuyển tiếp ngay sau thời điểm Brexit.

Các cuộc đàm phán Brexit là một vấn đề gây tranh cãi đối với nền kinh tế toàn cầu khi các thị trường lo ngại tình trạng bất trắc kéo dài sẽ ảnh hưởng tới thương mại và tăng trưởng toàn cầu.

Một giai đoạn chuyển tiếp được cho là có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các nhà đầu tư và giới doanh nhân, những người lo ngại một Brexit cứng sẽ làm rối loạn các dòng thương mại và các thị trường tài chính.

Chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Hammond là sự kiện mới nhất trong một loạt các cuộc đàm phán kinh tế dài hơi giữa hai nước.

Tuy nhiên, chuyến đi lần này có tầm quan trọng mới đối với Anh khi nước này đang tìm cách trở lại vai trò một quốc gia thương mại toàn cầu sau khi rời khỏi EU vào năm 2019.

Trung Quốc là một trong các nước mà Anh hy vọng ký một thỏa thuận thương mại tự do sau khi rời EU.

Bộ trưởng Hammond cũng đưa ra các đảm bảo cho các công ty của Trung Quốc sau thời điểm Brexit. Về phần mình, Trung Quốc cũng bày tỏ hy vọng Anh và EU có thể đạt một thỏa thuận đôi bên cùng thắng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục