Ngày 29/5, Bộ Tài chính Anh đã lên tiếng phản đối đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về việc tăng ngân sách cho các hoạt động trong năm 2014.
Theo nguồn tin của Bộ Tài chính Anh, tại thời điểm hiện nay khi mà các nước châu Âu đang phải tiếp tục giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách thì EC không nên yêu cầu các nước thành viên đóng góp thêm cho ngân sách của Liên minh châu Âu (EU).
Chính phủ Anh sẽ phối hợp với chính phủ các nước nhằm đạt được sự đồng thuận về ngân sách năm 2014; trong đó, đảm bảo kỷ luật ngân sách và phản ánh đúng tình hình kinh tế châu Âu hiện nay, đồng thời tôn trọng các thỏa thuận đã đạt được trước đó.
Chính phủ Anh tin tưởng rằng EU có thể giải quyết được các áp lực chi tiêu bổ sung thông qua việc phân bổ lại các nguồn tài chính hiện nay trong khuôn khổ ngân sách đã được thông qua.
Trước đó, EC đã nêu đề xuất tăng ngân sách của EU trong năm nay thêm 4,73 tỷ euro, trong đó các nước thành viên đóng góp 2,16 tỷ euro, phần còn lại sẽ được bổ sung từ các nguồn khác như tiền phạt từ các vụ vi phạm quy định về cạnh tranh...
Việc tăng ngân sách là nhằm thanh toán chi phí ngày càng tăng trong việc triển khai các kế hoạch kích thích tăng trưởng kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm và hỗ trợ tài chính cho Ukraine.
Theo các quy định về cơ chế "dự trữ đột xuất," EC có thể kêu gọi các nước thành viên EU đóng góp thêm ngân sách trong những trường hợp không được dự báo trước. Tuy nhiên, ngân sách cho các năm sau đó sẽ phải khấu trừ đi một khoản tương ứng để đảm bảo tổng mức chi tiêu trong giai đoạn 2014-2020 vẫn nằm trong giới hạn đã được các nước thống nhất thông qua.
Năm ngoái, lãnh đạo các nước EU đã đạt được sự đồng thuận về ngân sách của EU giai đoạn 2014-2020 ở mức 960 tỷ euro (tương đương 1.300 tỷ USD), giảm khoảng 40 tỷ euro so với các đề xuất ban đầu.
Khoản cắt giảm này vốn là mục tiêu của một số quốc gia thành viên EU muốn tăng mức chi tiêu để kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm, trong bối cảnh phải tiếp tục thực thi chính sách "thắt lưng buộc bụng" nhằm giảm thâm hụt ngân sách./.