Anh sốc vì 1 phụ nữ nước này bị kết án tử ở Bali

Nước Anh đã bị sốc khi một công dân nước này 56 tuổi đã bị kết án tử hình ở Bali vì buôn lậu ma túy, dù công tố chỉ đề nghị 15 năm tù.
Một người phụ nữ 56 tuổi quốc tịch Anh đã bị tuyên án tử hình vì tội buôn lậu cocaine vào đảo Bali, Indonesia, một bản án gây sốc dù cơ quan công tố đã đề nghị mức án 15 năm tù giam.
Lindsay Sandiford đã khóc sụt sùi tại tòa án ở thủ phủ Denpasar của Bali khi nghe bản án hôm 22/1. Người ta đã tìm thấy số ma túy trị giá 2,4 triệu USD trong va li của bà này khi bà tới Indonesia từ một chuyến bay ở Bangkok hồi tháng 5 năm ngoái. "Chúng tôi thấy rằng Lindsay Sandiford đã có tội vì buôn lậu ma túy ... và quyết định tuyên phạt án tử hình với bị cáo" - thẩm phán Amser Simanjuntak nói trước tòa án sơ thẩm Denpasar. Cảnh sát Indonesia nói rằng bà này nằm ở trung tâm của một đường dây buôn lậu ma túy còn liên quan tới 3 người Anh khác và một người Ấn Độ, kẻ cũng đã bị bắt. Sandiford thì cho rằng bà bị ép phải mang theo 4,79kg cocaine để bảo vệ con cái của mình, những người đã bị đe dọa tính mạng. Cơ quan công tố cũng đề nghị một hình phạt mang tính khoan dung. Nhưng tòa cho rằng Sandiford đã không thể hiện thái độ hối lỗi và đã gây hại tới quan điểm cứng rắn của Indonesia trong cuộc chiến chống ma túy, cũng như khiến Bali, với tư cách một điểm đến du lịch, bị tai tiếng. Luật sư của Sandiford, dường như bị sốc, đã tuyên bố sẽ kháng án. "Chúng tôi phản đối bản án. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng thân chủ của mình sẽ lãnh án tử hình" - luật sư Esra Karokaro nói - "Chúng tôi sẽ thảo luận bản án với bà ấy và nhiều khả năng chúng tôi sẽ kháng án." Sandiford đã cúi đầu, người tái đi khi nghe bản án được tuyên. Em gái của bà là Hillary Parson, người tới tham dự phiên tòa, cũng đã bật khóc. Tòa bác bỏ quan điểm cho rằng Sandiford bị buộc phải buôn lậu ma túy để bảo vệ con cái và nói rằng "không có bất kỳ tình tiết giảm nhẹ nào" để cho phép tòa thể hiện sự khoan dung. "Hành động của bị cáo đã chống lại nỗ lực của Chính phủ trong cuộc chiến chống lại tình trạng sử dụng ma túy ở đất nước này và bị cáo lại khăng khăng nói rằng mình chưa từng phạm tội" - Simanjuntak nói - "Điều bị cáo đã làm có thể gây tổn hại cho hình ảnh của Bali với tư cách một điểm đến du lịch." Nhóm nhân quyền Reprieve của Anh thông báo hồi tháng trước rằng Sandiford đã bị "những kẻ buôn bán ma túy lợi dụng". Chúng đã chọn bà vì bà dễ bị tổn thương và bà lo sợ tới sự an toàn của con cái. Thứ trưởng Ngoại giao Anh Hugo Swire tuyên bố hôm 22/1 rằng: "Chúng tôi phản đối mạnh mẽ án tử hình và sẽ tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ của cơ quan lãnh sự cho Lindsay và gia đình bà trong thời gian khó khăn này." Ông nói với Quốc hội rằng Sandiford còn ít nhất hai lần kháng án và có cơ hội xin Tổng thống ân xá nếu hai lần kháng án này thất bại.
Anh sốc vì 1 phụ nữ nước này bị kết án tử ở Bali ảnh 1
Bà Saniford khóc sau khi nghe tuyên án (Nguồn: AFP)
Hai người Anh khác bị bắt trong vụ này đã nhận các bản án khá nhẹ nhàng hồi tháng trước. Rachel Dougall đã bị tuyên phạt 12 tháng tù do không khai báo về hành vi phạm tội của Sandiford, còn Paul Beales bị phạt 4 năm tù vì sở hữu 3,6 gram thuốc gây nghiện hashish, nhưng đã được xóa bỏ tội danh buôn lậu ma túy. Một người Anh thứ tư là Julian Ponder sẽ nghe bản án dành cho mình vào cuối tháng này, sau khi cơ quan công tố đề nghị mức án 7 năm tù cho ông ta. Indonesia có luật chống ma túy rất nghiêm khắc. Nhưng các bản án tử hình thường được giảm xuống còn tù dài hạn. Gandjar Laksamana, một chuyên gia luật từ Đại học Indonesia nói rằng dù án tử hình có thể khiến bên bào chữa bị sốc, việc cơ quan công tố đề nghị phạt nhẹ nhàng còn gây sốc hơn. "Luật nói rằng mức phạt tối đa cho hoạt động phạm tội như thế là tử hình. Vì thế câu hỏi đặt ra là vì sao bên công tố lại không đề nghị mức án tối đa" - ông nói với AFP. Hai thành viên của một đường dây buôn bán ma túy gọi là "Bali Nine", những kẻ bị bắt hồi năm 2005, hiện đang chờ thi hành án tử hình và 7 nhân vật khác đã nhận án tù dài hạn. Một người Pháp cũng đang chờ thi hành án tử hình kể từ tháng 5/2007. Án tử hình ở Indonesia do các đội xử bắn thực hiện, thường là vào đêm tại nhiều địa điểm biệt lập, không được thông báo trước. Vụ hành quyết gần đây nhất diễn ra vào tháng 6/2008, khi 2 tay buôn ma túy Nigeria bị bắn./.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục