Anh và Pháp ký kết hiệp định hợp tác về hạt nhân

Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Sarkozy đã ký hai hiệp định, một về hợp tác quốc phòng, một về hợp tác hạt nhân.
Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã ký hai hiệp định, một về hợp tác quốc phòng, một về hợp tác hạt nhân giữa hai nước.

Hai văn kiện này, được giới quân sự, các chuyên gia và giới báo chí đánh giá là lịch sử, sẽ giúp hai quốc gia hùng mạnh nhất châu Âu về quân sự tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực từ thử vũ khí hạt nhân đến khả năng điều quân chung.

Theo các hiệp định hợp tác kể trên, bắt đầu từ năm 2015, hai nước sẽ sử dụng chung các cơ sở và thiết bị thử nghiệm hạt nhân. Tuy nhiên, hai nước sẽ giữ nguyên vũ khí hạt nhân của mình và có quyền tự quyết về thử nghiệm riêng của từng nước.

Hiệp định quy định việc thành lập lực lượng viễn chinh chung (dự kiến giai đoạn đầu, lực lượng này sẽ gồm hai lữ đoàn với quân số 10.000 người để thực hiện các chiến dịch tại những khu vực khác nhau trên thế giới); sử dụng chung tàu sân bay, máy bay vận tải quân sự và máy bay tiếp nhiên liệu cũng như yểm trợ các tàu chiến của hai nước.

Hiệp định hợp tác quân sự giữa hai nước cũng bao gồm cả lĩnh vực chống tội phạm tin học và các hình thức khủng bố mới. Anh và Pháp cũng sẽ tìm kiếm phương thức sử dụng hiệu quả hơn ngành công nghiệp quốc phòng của hai nước để thực hiện các nhiệm vụ chung.

Paris và London không phủ nhận rằng việc ký các hiệp định nói trên xuất phát trước hết từ lý do cắt giảm ngân sách quốc phòng của hai nước cũng như để tìm kiếm phương thức sử dụng hiệu quả các nguồn quân sự.

Ngoài ra, trong cuộc gặp thượng đỉnh ngày 2/11 này, hai nhà lãnh đạo Anh và Pháp cũng thảo luận một loạt vấn đề chính trị, kinh tế-tài chính và quốc phòng cũng như bảo vệ khí hậu Trái đất.

Trước đó, trong bài phát biểu tại Quốc hội Anh ngày 1/11, Thủ tướng Cameron nêu rõ hợp tác với Pháp trong lĩnh vực quốc phòng nằm trong lợi ích lâu dài của cả hai nước.

Ông cũng nhấn mạnh sự hợp tác này không phải bước tiến tới thành lập lực lượng vũ trang chung châu Âu, mà chỉ là hình mẫu tăng cường khả năng quốc phòng của hai quốc gia có chủ quyền có những ưu tiên giống nhau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục