Anh và Tây Ban Nha đã đạt được thỏa thuận về Gibraltar

Chính phủ Anh và Tây Ban Nha đạt thỏa thuận về vùng lãnh thổ Gibraltar và đệ trình thỏa thuận này lên Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Anh và Tây Ban Nha đã đạt được thỏa thuận về Gibraltar ảnh 1Vùng lãnh thổ Gibraltar. (Nguồn: Duquesa)

Chính phủ Anh và Tây Ban Nha đã đạt thỏa thuận về Gibraltar và đệ trình thỏa thuận này lên Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo ngày 5/11 cho biết thông tin về thỏa thuận liên quan đến vùng thuộc địa của Anh ở cực Nam bán đảo Iberia tại cửa ngõ vào Địa Trung Hải này là "bước đi đầu tiên hướng tới việc tái thiết lập quan hệ bình thường, vốn bị đổ vỡ vào năm 2004."

Thỏa thuận trên nhấn mạnh hai nước sẽ đạt được giải pháp cuối cùng về vấn đề Gibraltar. Giải pháp này sẽ "lưu ý nguyện vọng và quyền lợi của Gibraltar, vốn là điều chính đáng theo luật pháp quốc tế", cũng như theo tinh thần của Tuyên bố Brussels ngày 27/11/1984.

Thỏa thuận cũng khẳng định Anh và Tây Ban Nha sẽ tiến hành đàm phán về Gibraltar và London sẵn sàng thương lượng về chủ quyền, điều không được hoan nghênh tại vùng lãnh thổ ủng hộ Anh này.

Căng thẳng ngoại giao giữa Anh và Tây Ban Nha bùng phát từ tháng 8 vừa qua, sau khi nhà chức trách Gibraltar đặt các khối bê tông để tạo vỉa đá ngầm nhân tạo.

Cho rằng hành động này sẽ ảnh hưởng xấu đến các ngư trường của mình, từ cuối tháng 8, Tây Ban Nha đã tăng cường kiểm tra người và phương tiện qua lại ở biên giới giữa nước này với Gibraltar khiến giao thông liên tục bị tắc nghẽn hàng giờ, ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng nghìn người dân thường xuyên qua lại.

Ngoài ra, chính phủ Tây Ban Nha còn lên kế hoạch thu phí 50 euro đối với những người đi lại qua biên giới với Gibraltar.

Vùng Gibraltar rộng 6,8 km2, có khoảng 30.000 dân và nằm án ngữ ngay lối vào Địa Trung Hải duy nhất từ Đại Tây Dương.

Vùng đất này thường xuyên bị Tây Ban Nha gây áp lực đòi kiểm soát, cho dù giữa Anh và Tây Ban Nha đã có thỏa thuận về chia sẻ chủ quyền và người dân Gibraltar cũng đã bày tỏ nguyện vọng không muốn trở về Tây Ban Nha trong hai cuộc trưng cầu ý dân năm 1967 và 2002./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục