Ảnh vệ tinh Triều Tiên

Hé lộ hình ảnh Triều Tiên chuẩn bị phóng vệ tinh

Các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Triều Tiên đã chuẩn bị phóng một quả tên lửa mang vệ tinh vào tháng tới.
Các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy CHDCND Triều Tiên đã chuẩn bị phóng một quả tên lửa mang vệ tinh vào tháng tới, bất chấp sự lên án của thế giới và việc Nhật Bản dọa sẽ bắn hạ quả tên lửa này.

Theo trang web 38 North (38north.org), các bức ảnh chụp được hôm thứ Năm cho thấy công việc chuẩn bị phóng đã diễn ra. Trang web này đã đăng vài bức ảnh vệ tinh do công ty DigitalGlobe của Mỹ chụp được.

Triều Tiên khẳng định nước này sẽ phóng tên lửa mang vệ tinh khoa học từ bãi phóng Tongchang-ri ở vùng Tây Bắc.

Mỹ và một số nước khác cho rằng việc phóng vệ tinh chỉ là bình phong che giấu cuộc thử tên lửa tầm xa, qua đó vi phạm các nghị quyết của LHQ và một thỏa thuận Mỹ-Triều đạt được hồi tháng trước.

Trang web kể trên, vốn là một dự án của Học viện Mỹ - Triều Tiên tại Trường nghiên cứu Quốc tế Johns Hopkins, cho biết các bức ảnh đã thể hiện rõ hình ảnh một bệ phóng tên lửa di động đang nằm trên đường ray gần với một hệ thống tháp cẩu.

Trang web nói rằng chiếc cần cẩu trên đỉnh tháp cẩu nằm ở một góc 45 độ so với bệ phóng, cho thấy trang thiết bị có thể đang được đưa lên tháp. Ngoài ra ảnh còn có nhiều vật thể nhỏ và nhiều người hiện diện xung quanh bệ phóng.

Bên cạnh đó, một đội lao động đang cắt bỏ các bụi cây, có thể để ngăn ngừa nguy cơ chúng bắt lửa từ vụ phóng vệ tinh.

Tại hai tòa nhà chứa nhiên liệu kích thước lớn nhất nằm bên phải bệ phóng, vốn chứa nhiên liệu dùng để bơm vào tầng 1 quả tên lửa Unha-3 , người ta có thể thấy một số chiếc xe tải chở theo nhiên liệu và chất oxy hóa đang đỗ cạnh đó.

38 North cho biết hoạt động chuẩn bị có vẻ như đang diễn ra theo kế hoạch và bước tiếp theo sẽ là tầng 1 của quả tên lửa được đưa vào bệ phóng, có thể là trong ngày 30- 31/3. Khoảng 2 ngày sau, người ta sẽ chuẩn bị tiếp tầng 2 rồi tầng 3 và gói hàng sẽ được lắp trên đỉnh tên lửa vào ngày 2/4 hoặc 3/4.

"Trừ khi có một số sự cố lớn xảy ra, những người Triều Tiên sẽ có thể phóng tên lửa trong khoảng thời gian mà họ công bố, bắt đầu từ ngày 12/4" - trang web nói. Trước đó, Triều Tiên nói rằng nước này sẽ phóng vệ tinh từ ngày 12/4 - 16/4 để kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố chủ tịch Kim Nhật Thành.

Hé lộ hình ảnh Triều Tiên chuẩn bị phóng vệ tinh ảnh 1

Hình được mô tả trên trang 38 North (Nguồn: 38north)

Theo Bình Nhưỡng, vệ tinh được dùng để ước tính sản lượng lương thực và thu thập dữ liệu thời tiết, bên cạnh các hoạt động dân sự khác. Triều Tiên đã bác bỏ chỉ trích mạnh mẽ từ các lãnh đạo, gồm Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Bình Nhưỡng nói rằng tầng 1 quả tên lửa sẽ rơi cách bờ biển phía Tây Hàn Quốc 140km, trong vùng biển quốc tế nằm giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. Tầng 2 sẽ rơi khoảng 190km cách phía Bắc Philippines. Nhật Bản lo ngại tên lửa sẽ bay qua quần đảo Okinawa ở phía Nam nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Naoki Tanaka tuyên bố tại Tokyo hôm thứ Sáu rằng ông đã yêu cầu binh lính bắn hạ tên lửa nếu nó vi phạm lãnh thổ Nhật.

Hàn Quốc cũng khẳng định họ sẽ bắn hạ tên lửa nếu nó đi qua lãnh thổ.

Mỹ hiện đã tạm ngưng kế hoạch viện trợ 240.000 tấn lương thực cho Triều Tiên, trong khuôn khổ một thỏa thuận theo đó Bình Nhưỡng đồng ý tạm ngưng một phần chương trình hạt nhân và chương trình thử tên lửa. Bình Nhưỡng nói rằng việc phóng vệ tinh không phải là thử tên lửa, nhưng các nước khác không chấp nhận giải thích này vì tên lửa phóng vệ tinh có thể dùng cho 2 mục đích dân sự và quân sự.

Hàn Quốc nói rằng vụ phóng vệ tinh nhằm thử công nghệ giúp tên lửa Triều Tiên có thể mang đầu đạn hạt nhân. Người ta tin Triều Tiên có đủ lượng plutonium để sản xuất 6-8 vũ khí hạt nhân, nhưng không rõ liệu họ có làm chủ được công nghệ để chế tạo đầu đạn hạt nhân hay không.

Triều Tiên đã bắn thử tên lửa tầm xa trong các năm 1998, 2006 và 2009. Sau 2 cuộc phóng thử gần đây, Triều Tiên đã nhanh chóng thử vũ khí hạt nhân dưới các cơ sở thử ngầm trong lòng đất. Một số nhà phân tích tin rằng kịch bản tương tự cũng sẽ diễn ra lần này./.

 

Gia Bảo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục