Áp dụng trí tuệ nhân tạo giảm thiểu tai nạn giao thông trẻ em

Thông qua việc xếp hạng sao các trường học tại Việt Nam bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tai nạn giao thông được kỳ vọng sẽ giảm thiểu và phòng tránh cho đối tượng trẻ em.
Áp dụng trí tuệ nhân tạo giảm thiểu tai nạn giao thông trẻ em ảnh 1Trẻ em đội mũ an toàn giao thông để bảo vệ tính mạng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Chương trình Đánh giá Đường bộ quốc tế (iRAP - một tổ chức phi lợi nhuận) vừa nhận được khoản tài trợ trị giá 2 triệu USD và có sự hỗ trợ từ bộ phận thiện nguyện của Google (Google.org) để áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững và an toàn đường bộ của Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Theo đó, các bên liên quan sẽ sử dụng AI, hình ảnh vệ tinh và hình ảnh chế độ xem phố để phát hiện rủi ro an toàn đường bộ, iRAP cùng với các đối tác như Quỹ AIP (Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á),… sẽ cung cấp đánh giá xếp hạng sao trên toàn quốc về cơ sở hạ tầng đường bộ xung quanh trường học ở Việt Nam và hỗ trợ nâng cấp tại các trường có nguy cơ cao nhất.

Ông Rob McInerney, Giám đốc Điều hành iRAP cho biết xếp hạng sao trường học dựa vào AI kết hợp với Google.org là một công cụ sẽ hỗ trợ khả năng di chuyển bền vững cho thanh thiếu niên.

“Chúng tôi nhận thấy rằng trẻ em có nguy cơ tử vong hoặc bị thương trên các con đường 1 sao cao hơn khoảng 20 lần so với con đường được xếp hạng 5 sao. Thông qua việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để xác định các con đường 1 và 2 sao, có nguy cơ cao trên hành trình đến trường của trẻ em, có thể xác định các mối nguy hiểm đang hiện diện và huy động nâng cấp dựa trên bằng chứng để bảo vệ tính mạng của các em,” ông Rob McInerney nói.

Bày tỏ ước mơ cuối cùng của là xếp hạng sao cho mọi con đường trên trái đất và đảm bảo mọi hành trình đều an toàn hơn, Giám đốc điều hành iRAP cho rằng việc đạt được mục tiêu của Liên Hợp Quốc cho hơn 75% lưu thông trên đường 3 sao trở lên sẽ giúp cứu được hơn 100 triệu người chết và bị thương trong suốt thời gian nâng cấp. Quan hệ đối tác với Google.org là một bước tiến lớn theo định hướng đó.

[Ứng dụng trí tuệ nhân tạo cảnh báo nguy cơ 'điểm đen' giao thông]

Thông qua xếp hạng sao trường học toàn cầu của iRAP, dự án có tiềm năng mở rộng quy mô sang các quốc gia khác và đưa ra các chính sách mới cũng như đầu tư vào những con đường thân thiện với người đi bộ nhằm giảm thiểu tác hại có thể phòng tránh.

Áp dụng trí tuệ nhân tạo giảm thiểu tai nạn giao thông trẻ em ảnh 2Đại biểu, phụ huynh và học sinh tại Yên Bái phát động Ứng dụng Kết nối thanh thiếu niên. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trước đó, Quỹ AIP đã triển khai ứng dụng Kết nối thanh thiếu niên-YEA (Youth Engagement App) được sử dụng để nắm bắt nhận thức của học sinh, sinh viên về những rủi ro mà họ phải đối mặt để đưa ra quyết định.

Các điểm có nguy cơ hay còn gọi là “điểm đen” giao thông mà các em chia sẻ thông qua ứng dụng sẽ là cơ sở cho việc thực hiện đánh giá cơ sở hạ tầng chi tiết hơn bằng công cụ xếp hạng sao trường học. Công cụ này là một thước đo đơn giản và khách quan về mức độ an toàn hay rủi ro mà trẻ em phải đối mặt trên con đường đến trường và giúp đưa ra các biện pháp can thiệp có thể phòng ngừa và giảm thương vong do tai nạn giao thông./.

Theo đánh giá của các chuyên gia về an toàn giao thông, tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới. Mỗi ngày trên thế giới có hơn 100.000 người thiệt mạng hoặc bị thương tật suốt đời do tai nạn giao thông đường bộ.

Để giải quyết vấn đề này, Mục tiêu Phát triển bền vững 3.6 của Liên hợp quốc phấn đấu giảm một nửa số ca tử vong và thương tích trên đường vào năm 2030; các quốc gia thành viên đã đồng ý về những mục tiêu tự nguyện cải thiện an toàn cơ sở hạ tầng đường bộ theo tiêu chuẩn toàn cầu iRAP 3 sao trở lên.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục