Ứng dụng trí tuệ nhân tạo cảnh báo nguy cơ 'điểm đen' giao thông

Những 'điểm đen' giao thông mà các học sinh chia sẻ thông qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ được cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra những biện pháp giải quyết trong việc đảm bảo an toàn giao thông.
Đại biểu, phụ huynh và học sinh tại Yên Bái phát động Ứng dụng Kết nối thanh thiếu niên. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Đại biểu, phụ huynh và học sinh tại Yên Bái phát động Ứng dụng Kết nối thanh thiếu niên. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (Quỹ AIP) phối hợp cùng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và các cơ quan đối tác địa phương tổ chức các buổi lễ phát động thí điểm ứng dụng kết nối Thanh thiếu niên (YEA) vào sáng 14/12 tại Yên Bái.

Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói (AI&me)” được triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh, Pleiku (tỉnh Gia Lai) và thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái), có 1.800 học sinh đến từ 18 trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Cao đẳng và Đại học đã tham gia hoạt động này.

Ứng dụng YEA là một công cụ hỗ trợ giới trẻ trực tiếp chia sẻ ý kiến và báo cáo những nơi an toàn hay có nguy cơ gây rủi ro cho người tham gia giao thông đường bộ. Ý kiến đánh giá của các em được chia sẻ từ ứng dụng sẽ được thu thập và khuyến nghị đến các cơ quan chức năng để đưa ra các chiến lược và giải phải nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường bộ.

Các điểm có nguy cơ hay còn gọi là “điểm đen" giao thông mà các học sinh chia sẻ thông qua ứng dụng sẽ là cơ sở cho việc thực hiện đánh giá cơ sở hạ tầng chi tiết hơn bằng công cụ xếp hạng sao trường học (SR4S). Công cụ này là một thước đo đơn giản và khách quan về mức độ an toàn hay rủi ro mà trẻ em phải đối mặt trên con đường đến trường và cũng là một công cụ hữu ích giúp đưa ra các biện pháp can thiệp có thể phòng ngừa và giảm thương vong do tai nạn giao thông.

Theo ông Phạm Việt Công, Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia, ứng dụng YEA sẽ tạo ra một sự khác biệt to lớn cho thế hệ trẻ. Giới trẻ là tương lai của đất nước, vì vậy mỗi người cần biết quan tâm lắng nghe ý kiến của các em để đưa ra những biện pháp tối ưu nhất trong việc giải quyết những vấn đề gây mất an toàn giao thông mà các bạn hiện đang phải đối mặt.

“Chỉ có khi cùng chung tay góp sức thì chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu xây dựng những cung đường an toàn tại Việt Nam,” ông Công nhấn mạnh.

[Dùng điện thoại khi lái xe, nguy cơ tai nạn giao thông cao gấp 4 lần]

Nhìn nhận đã đến lúc chúng ta cần sử dụng công nghệ để thu thập thông tin kịp thời và gắn kết sự tham gia của đối tượng thanh thiếu niên, bà Hoàng Na Hương, Phó Tổng giám đốc điều hành tại Quỹ AIP cho biết chính các học sinh sẽ có cơ hội để chủ động hành động vì những cung đường an toàn ngay chính tại thành phố của mình. Ứng dụng YEA chú trọng vào việc lắng nghe tiếng nói của giới trẻ để đưa ra các biện pháp giải quyết vấn đề khủng hoảng an toàn đường bộ toàn cầu./.

Quỹ AIP đã phối hợp cùng với tổ chức Chương trình đánh giá Đường bộ Quốc tế (iRAP) và Bộ Giao thông Vận tải tổ chức các khóa tập huấn giới thiệu và hướng dẫn sử dụng ứng dụng YEA cho các cơ quan đối tác tại địa phương và giáo viên ở các trường dự án tại Thành phố Hồ Chí Minh, Pleiku và Yên Bái.

Tại các buổi tập huấn, các giáo viên được nghe giới thiệu về dự án và cách sử dụng ứng dụng YEA cũng như là những kiến thức về an toàn giao thông đường bộ cần thiết để truyền đạt lại cho học sinh, sinh viên của mình.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục