Tai nạn giao thông giảm sâu nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp

Tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm sâu cả ba tiêu chí - số vụ, số người chết và số người bị thương - trong sáu tháng năm 2023, so với cùng kỳ năm 2022.
Tai nạn giao thông giảm sâu nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp ảnh 1Tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế trong sáu tháng năm 2023. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Sáu tháng đầu năm nay, kinh tế-xã hội tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, nhu cầu đi lại tăng, đồng thời tập trung nhiều đợt cao điểm về trật tự, an toàn giao thông như các dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội Xuân, Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ 30/4-1/5, đã tạo áp lực lớn lên công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình trật tự, an toàn giao thông về cơ bản được bảo đảm.

Tai nạn giao thông giảm sâu

Tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm sâu cả ba tiêu chí - số vụ, số người chết và số người bị thương - so với cùng kỳ năm 2022.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Bộ Công an và Cục Hàng hải Việt Nam, trong sáu tháng tính từ ngày 15/12/2022 đến 14/6/2023, toàn quốc xảy ra 4.970 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.865 người, bị thương 3.471 người. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 762 vụ (13,29%), giảm 484 người chết (14,45%), giảm 214 người bị thương (5,81%).

Tai nạn giao thông đường bộ, đường thủy và hàng hải đều giảm sâu, riêng đường sắt tăng cao hơn cùng kỳ năm trước. Cụ thể, đường bộ xảy ra 4.906 vụ, làm chết 2.821 người, bị thương 3.458 người, giảm 760 vụ (13,41%), giảm 453 người chết (13,84%), giảm 213 người bị thương (5,8%) so với cùng năm trước.

Đường sắt xảy ra 48 vụ, làm chết 34 người, bị thương 13 người, so với cùng kỳ năm trước tăng sáu vụ (14,29%), tăng bốn người chết (13,33%), tăng hai người bị thương (18,18%).

Đường thủy, xảy ra 12 vụ, làm chết tám người, không có người bị thương, giảm tám vụ (40%), giảm 25 người chết (75,76%), giảm ba người bị thương (100%) so với cùng kỳ năm 2022.

Tuyến hàng hải xảy ra bốn vụ, làm chết hai người, không có người bị thương, so với cùng kỳ số vụ và số người bị thương không thay đổi, giảm 10 người chết và mất tích (83,33%).

Về lĩnh vực hàng không dân dụng, Cục Hàng không dân dụng đã nhận được 172 báo cáo an toàn bắt buộc, xảy ra một tai nạn mức A, 40 sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn.

Vụ tai nạn nghiêm trọng nhất xảy ra liên quan đến máy bay trực thăng BELL 505 ngày 5/4/2023 tại khu vực biển giáp ranh xã Gia Luận, huyện Cát Hải (thành phố Hải Phòng) khiến năm người thiệt mạng (bao gồm một phi công và bốn hành khách). Nguyên nhân vụ tai nạn hiện vẫn đang trong quá trình điều tra.

Tai nạn giao thông giảm sâu nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp ảnh 2Số người chết vì tai nạn giao thông giảm trong sáu tháng qua. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết sáu tháng qua, 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2022, trong đó tám địa phương giảm trên 40% số người chết là: Thái Nguyên, Đà Nẵng, Điện Biên, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Thừa Thiên-Huế, Hà Nội, Ninh Bình.

[Bình quân mỗi ngày có 16 người chết vì tai nạn giao thông]

Đặc biệt, Thái Nguyên, Đà Nẵng giảm tới trên 60% số người chết do tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, số người chết do tai nạn giao thông tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Tiền Giang được kéo giảm sâu so với cùng kỳ cả về tỷ lệ phần trăm và số lượng tuyệt đối.

Tuy nhiên, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết vẫn còn 17 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó bảy tỉnh tăng trên 20% là: Lào Cai, Đồng Nai, Thanh Hóa, Sơn La, Tây Ninh, Lạng Sơn và Hà Tĩnh. Trong đó, bốn tỉnh có số người chết tăng trên 70% trở lên là: Sơn La, Tây Ninh, Lạng Sơn và Hà Tĩnh.

Tình trạng chống người thi hành công vụ tăng cao

Sáu tháng đầu năm, 61 vụ ùn tắc giao thông xảy ra, tăng hai vụ so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân do tai nạn giao thông là 49 vụ (chiếm 80,3%), lưu lượng phương tiện đông bảy vụ (chiếm 11,5%); do mưa lớn hai vụ (chiếm 3,3%); nguyên nhân khác là ba vụ (chiếm 4,9%).

Tại Hà Nội, sáu tháng đầu năm phát sinh thêm 10 điểm ùn tắc giao thông giờ cao điểm, nâng tổng số “điểm đen” ùn tắc lên 37 điểm.

Ngoài nguyên nhân chung do lưu lượng phương tiện lớn, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn chưa cao, còn có nguyên nhân do các rào chắn thi công các dự án gây hẹp lòng đường (17 điểm); hạ tầng chưa đồng bộ (10 điểm) và quá tải kết cấu hạ tầng (10 điểm).

Trong sáu tháng đầu năm, thành phố đã xử lý được 3/37 điểm (gồm Châu Văn Liêm-Lê Quang Đạo; Đại La-Trần Đại Nghĩa; Ngã Tư Vọng).

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình ùn tắc có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ùn tắc trên các tuyến phố chính, trong và ngoài Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất đôi lúc xảy ra ùn tắc trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2023, dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4-1/5.

Tình trạng không chấp hành luật giao thông, chống lại lực lượng Cảnh sát Giao thông đang thi hành nhiệm vụ tăng cao. Cả nước xảy ra 33 vụ, tăng 17 vụ so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Hà Nội có sáu vụ, Thành phố Hồ Chí Minh và Hòa Bình mỗi nơi xảy ra ba vụ; làm một cán bộ chiến sỹ hy sinh, 15 cán bộ, chiến sỹ bị thương; bắt giữ 35 đối tượng.

Số vụ chống người thi hành công vụ có liên quan đến người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia chiếm cao nhất: 57,6% (19 vụ), làm bảy chiến sỹ Cảnh sát Giao thông bị thương, bắt giữ 19 đối tượng.

Tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập chạy xe phóng nhanh, lạng lách, gây mất trật tự công cộng và đua xe trái phép tại một số địa phương diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều phương tiện độ chế, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Lực lượng chức năng phát hiện 107 vụ với 1.808 đối tượng có hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng, chạy xe thành đoàn với tốc độ cao, có dấu hiệu đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, tạm giữ 1.529 phương tiện. Đã xử lý hình sự 19 vụ với 114 đối tượng, trong đó tổ chức đưa xe trái phép một vụ, hai đối tượng; gây rối trật tự công cộng: 18 vụ với 112 đối tượng.

Tai nạn giao thông giảm sâu nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp ảnh 3Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường một vụ tai nạn tại xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang). (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong sáu tháng năm 2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Còn xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Điển hình là tại Quảng Nam xảy ra bốn vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm 19 người chết, 25 người bị thương, trong đó vụ tai nạn ở huyện Núi Thành làm 10 người chết. Vụ tai nạn giao thông tại Điện Biên làm bốn người chết, tại Phú Yên làm bốn người chết nhiều người bị thương...

Tai nạn giao thông đường sắt tăng cả ba tiêu chí so với cùng kỳ năm 2022. Vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt chưa được xử lý kịp thời. Tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn xảy ra tại một số tỉnh, thành phố.

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, nguyên nhân của tình trạng trên là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém. Tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, sai phần đường, làn đường cho phép... còn diễn ra khá phổ biến. Hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe đã giảm sâu nhưng vẫn còn tồn tại.

Cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn nhận thức chưa đúng, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, còn tình trạng ỷ lại cho các lực lượng chức năng. Hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về trật tự, an toàn giao thông ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế.

Sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giữa các cơ quan, lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, nhất là trong kiểm tra việc thực hiện quy định an toàn giao thông đối với các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ôtô.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân do nguồn kinh phí dành cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn hạn chế, nhất là kinh phí để thực hiện duy tu, bảo trì, khắc phục điểm đen về tai nạn giao thông trên mạng lưới kết cấu hạ tầng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục