Áp lực tài chính phát huy tác dụng vấn đề Triều Tiên

Việc Triều Tiên chuyển hai tên lửa đạn đạo di động khỏi bãi phóng dường như là nhờ ngân hàng Trung Quốc ra tay với Ngân hàng Ngoại thương của Triều Tiên.

Theo báo Bưu điện quốc gia ngày 9/5, Triều Tiên đã chuyển hai tên lửa đạn đạo di động của họ khỏi bãi phóng và đưa chúng về kho.

Thời báo New York (Mỹ) cho biết Ngân hàng Trung Quốc do nhà nước kiểm soát mới đây tiết lộ rằng họ đã ngừng giao dịch với Ngân hàng Ngoại thương của Triều Tiên và ngừng chấp nhận những giao dịch tài chính kinh doanh có liên quan đến trương mục của ngân hàng này. Dường như, tiền có sức mạnh hơn so với những cảnh báo lớn tiếng trong vấn đề Triều Tiên.

Không gì có thể chắc chắn về Triều Tiên, quốc gia lâu nay đã hoàn thiện "nghệ thuật ngoại giao" tỏ ra nguy hiểm và vô lý cho đến khi đạt được cái mà họ muốn. Nhưng lần này, cộng đồng quốc tế dường như không biết gì về những động cơ của quyết định chuyển tên lửa khỏi bãi phóng trên. Có thể quyết định đó là nhờ động thái "bạo tay" của Trung Quốc, quốc gia duy nhất có khả năng gây sức ép nghiêm túc đối với chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Các nhà phân tích cho rằng động thái của Ngân hàng Trung Quốc rõ ràng có tầm quan trọng về chính trị vào thời điểm chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang thúc giục Bắc Kinh hạn chế sự hỗ trợ lâu nay của họ đối với Chính phủ Triều Tiên.

Hành động của Ngân hàng Trung Quốc cũng trùng hợp với một nỗ lực lâu nay của Mỹ nhằm vào đường tiếp cận ngoại tệ của Bình Nhưỡng. Ngân hàng của hầu hết các nước trên thế giới đã từ chối giao dịch tài chính với Triều Tiên, khiến vai trò của Ngân hàng Trung Quốc trở nên đặc biệt quan trọng.

Động thái trên của Ngân hàng Trung Quốc khá giống với chiến lược mà cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đã thực hiện năm 2005, khi Triều Tiên tiến hành các vụ thử hạt nhân. Thay vì những cảnh báo thương mại thông thường, khi đó chính quyền Bush đã thực hiện việc "bóp nghẹt" tài chính đối với Bình Nhưỡng, áp đặt các lệnh trừng phạt đối với một ngân hàng Ma Cau mà Triều Tiên đã sử dụng để tiếp cận ngoại tệ.

Hàng triệu USD của Bình Nhưỡng trong ngân hàng này đã bị đóng băng và các ngân hàng bắt đầu cắt đứt quan hệ của họ với Bình Nhưỡng. Theo một báo cáo, hành động trên của chính quyền Bush đã "khiến chế độ Bình Nhưỡng quan ngại hơn so với bất cứ thời điểm nào kể từ sau khi cuộc chiến tranh Triều Tiên bắt đầu năm 1950".

Một sự kiện đáng chú ý khác là tân Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đang ở Washington để thảo luận những chiến lược chung. Việc Nhà Trắng phái máy bay ném bom hạt nhân đến Hàn Quốc và cùng nước này tham gia một loạt cuộc tập trận hải quân gần đây tại Hoàng Hải đã khiến Bình Nhưỡng "chột dạ."

Đây là sự phô trương khả năng quân sự mà Bình Nhưỡng không thể bỏ qua. Sự phô trương sức mạnh này nhằm chứng tỏ với Triều Tiên một điều rằng nhà lãnh đạo Kim Jong Un của nước này có thể phát động một cuộc chiến tranh, nhưng dường như chế độ Bình Nhưỡng sẽ không thể sống sót sau cuộc chiến tranh đó.

Chắc chắn là đã có một thỏa thuận lớn ở hậu trường. Có lẽ Triều Tiên có thể sử dụng phần nào sự nhượng bộ giữ thể diện để bào chữa cho việc rút tên lửa. Hoặc có lẽ như lời một quan chức Mỹ, đây chỉ là một sự "tạm dừng khiêu khích" trước một cơn "tam bành" mới. Dù động cơ là gì chăng nữa thì rõ ràng việc "lớn tiếng cảnh cáo" ít hiệu quả hơn sức ép tài chính lặng lẽ và mạnh mẽ của Trung Quốc đối với các điểm nhạy cảm chiến lược của Triều Tiên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục