Argentina điều tra vụ nghi phóng hỏa Di sản Thế giới Los Alerces

Sau khi đáp máy bay thị sát Công viên Quốc gia Los Alerces, Thống đốc tỉnh Chubut nêu rõ đã xác định vụ cháy rừng xuất phát từ hành vi có chủ đích và sẽ đưa các đối tượng phóng hỏa ra trước pháp luật.

Khói bốc lên từ đám cháy rừng tại công viên quốc gia Los Alerces ở tỉnh Chubut, Argentina ngày 27/1/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khói bốc lên từ đám cháy rừng tại công viên quốc gia Los Alerces ở tỉnh Chubut, Argentina ngày 27/1/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 28/1, giới chức Argentina xác định nguyên nhân vụ hỏa hoạn nghiêm trọng thiêu rụi 600ha rừng tại Công viên Quốc gia Los Alerces là do hành vi phá hoại có chủ đích.

Phát biểu sau khi đáp máy bay thị sát tình hình Công viên Quốc gia Los Alerces, Thống đốc tỉnh Chubut, ông Ignacio Torres nêu rõ nhà chức trách đã xác định vụ cháy rừng xuất phát từ hành vi có chủ đích.

Ông khẳng định những đối tượng phóng hỏa sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, đồng thời cho biết chính quyền sẽ có các biện pháp để ngăn chặn tái diễn hành động tương tự.

Trong 3 ngày vừa qua, lực lượng cứu hỏa tỉnh Chubut, với sự hỗ trợ của các máy bay cứu hỏa, đã nỗ lực ngăn chặn lửa lan đến các thị trấn Esquel và Trevelin lân cận, cách thủ đô Buenos Aires khoảng 2.000km về phía Tây Nam.

Ngày 28/1, Văn phòng Thống đốc tỉnh Chubut cho biết công tác dập lửa gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết không thuận lợi khiến khói bao trùm khu vực, làm giảm tầm nhìn.

Nhiệt độ tại Patagonia, vùng cực Nam Argentina, thường lên tới 40 độ C vào mùa Hè ở Nam bán cầu.

Hiện, 2 tỉnh trong khu vực đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp đến tháng Tư tới do nguy cơ cháy rừng bùng phát.

Công viên Los Alerces được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Thế giới, có diện tích lên tới 260.000ha, với cảnh quan ngoạn mục (sông băng, núi, hồ nước), cùng với đó là thảm thực vật ôn đới dày đặc và các đồng cỏ núi cao hoang sơ.

Đây cũng là nơi trú ngụ của một số loài động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng, đặc biệt là những cánh rừng bách Patagonia nguyên sinh - loài cây sống lâu thứ hai trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục