Argentina ra thông cáo phản đối Anh đe dọa quân sự

Bộ ngoại giao Argentina phản đối những lời lẽ “hung hăng” của Thủ tướng Anh David Cameron liên quan tới quần đảo Malvinas.
Bộ ngoại giao Argentina ngày 6/1 ra thông cáo phản đối những lời lẽ “hung hăng” của Thủ tướng Anh David Cameron liên quan tới quần đảo Malvinas, đồng thời yêu cầu London chấp nhận các nghị quyết của Liên hợp quốc để giải quyết một cách hòa bình tranh chấp biển đảo song phương.

Trước đó, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình BBC1, Thủ tướng Cameron tuyên bố đối với Anh việc có máy bay chiến đấu và quân đội đồn trú tại Faklands (tên phía Anh đặt cho quần đảo) là “tuyệt đối cần thiết” và Anh “sẵn sàng giao chiến” để giữ quần đảo.

Bộ ngoại giao Argentina khẳng định tuyên bố hiếu chiến của Thủ tướng Anh càng chứng tỏ việc Anh đã quân sự hóa Nam Đại Tây Dương và có thể đã triển khai vũ khí hạt nhân tại khu vực này như Buenos Aires đã từng tố cáo tại Liên hợp quốc.

Mặt khác, Argentina yêu cầu Thủ tướng David Cameron không sử dụng những đòi hỏi hòa bình và chính đáng của Argentina đối với lãnh thổ bị chiếm đóng trái phép như là cái cớ để tiếp tục duy trì ngành công nghiệp vũ khí, thay vì phải giải quyết cuộc khủng hoảng xã hội trầm trọng mà Anh nói riêng và châu Âu nói chung đang trải qua.

[Anh sẵn sàng giao chiến để giữ quần đảo tranh chấp]

Trước đó, ngày 3/1, đúng ngày kỷ niệm 180 năm quần đảo bị Anh chiếm đóng, Tổng thống Argentina Cristina Fernández gửi điện cho Thủ tướng Cameron, trong đó bà mời Anh đàm phán giải quyết bất đồng liên quan tới chủ quyền quần đảo.

Thế nhưng ngay lập tức ông Cameron bác bỏ đề xuất đàm phán và khẳng định người dân tại Falklands sẽ có cơ hội quyết định tương lại chính trị của quần đảo trong cuộc trưng cầu ý dân trong tháng Ba tới.

Từ năm 1965, Liên hợp quốc đã thông qua nhiều nghị quyết kêu gọi hai bên đàm phán giải quyết bất đồng. Thế nhưng Anh luôn phản đối với lý do tôn trọng quyền và nguyện vọng của người dân trên quần đảo là lãnh thổ này thuộc chủ quyền của Anh.

Tuy nhiên, Argentina phản đối lập luận trên, vì sau khi chiếm đóng Malvinas, Anh đã trục xuất người Argentina và đưa người Anh tới sinh sống nên nguyện vọng trên không phải là của nhân dân Argentina.

Gần 31 năm trước, ngày 2/4/1982, Argentina cho quân đổ bộ lên Malvinas với mong muốn giành lại quần đảo, song đã thất bại. Cuộc chiến kéo dài 74 ngày này đã khiến hơn 900 binh lính bị thiệt mạng, trong đó phần lớn là của Argentina./.

Quang Sơn/Buenos Aires (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục