"ASEAN đang trở thành một lực lượng kinh tế phát triển nhanh"

Theo mạng tin Opencanada.org, hiện đang có sự chuyển dịch làn sóng đầu tư vào ASEAN khi mà các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy các cơ hội kiếm lời.
"ASEAN đang trở thành một lực lượng kinh tế phát triển nhanh" ảnh 1Ảnh minh họa. Nguồn: edfast.ca

Theo mạng tin Opencanada.org, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm Brunei, Myanmar, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đang trở thành một lực lượng kinh tế phát triển nhanh chóng.

Hiện đang có sự chuyển dịch làn sóng đầu tư vào khu vực này khi mà các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy các cơ hội kiếm lời. Tỷ lệ đầu tư nước ngoài vào khu vực ASEAN tăng nhanh, trong khi tỷ lệ này tại các nước đối thủ của khối là Trung Quốc và Ấn Độ lại có dấu hiệu giảm.

Số liệu khảo sát của Ngân hàng JP Morgan Chase cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN lớn hơn Trung Quốc.

Chỉ tính riêng năm ngoái, 5 nước ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã nhận tổng cộng 128,4 tỷ USD, trong khi lượng FDI vào Trung Quốc giảm xuống còn 117,6 tỷ USD. Còn theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á, tăng trưởng khu vực ASEAN sẽ là 6,2% trong năm 2014 và 6,4% năm 2015.

Gần đây ASEAN đang theo đuổi một chiến lược hội nhập kinh tế khu vực một cách năng động và hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 với mục tiêu sớm thiết lập một thị trường thống nhất dựa trên nền tảng lợi ích của mỗi thành viên cũng như toàn thể khu vực.

Nếu AEC thành công, ASEAN sẽ trở thành khu vực kinh tế lớn thứ 4 của thế giới vào năm 2050, và sẽ đem tới lợi nhuận cho các nhà đầu tư khi họ tiếp cận được thị trường 600 triệu người tiêu dùng.

Trong bối cảnh như vậy, Canada cần tiếp cận các sáng kiến của AEC thông qua việc lựa chọn các nước chủ chốt của khu vực, tham gia đầu tư một cách tương xứng vào những lĩnh vực Canada có thế mạnh như hàng không, nông sản, ô tô, công nghệ sạch, công nghệ thông tin viễn thông và dầu khí.

Hiện tại, Canada dường như chưa có sự chuẩn bị gì để sẵn sàng gắn kết với AEC. Các số liệu thống kê cho thấy, giai đoạn 2008-2014, Canada chỉ tăng cường đầu tư vào Trung Quốc và Ấn Độ, ngoài một vài đầu tư nhỏ vào lĩnh vực hàng không tại Philippines, Malaysia và Singapore.

Sự có mặt của Canada tại ASEAN gần như chỉ mang tính ngoại giao. Thay vì đầu tư trực tiếp, Canada lại chỉ đóng vai trò như là tư vấn tại khu vực này.

Nếu Canada không thúc đẩy hơn nữa các cam kết đầu tư bằng cách khuyến khích doanh nghiệp làm ăn trực tiếp với các đối tác công-tư, Canada sẽ đánh mất cơ hội lớn được tham gia khai thác tiềm năng rõ ràng tại khu vực ASEAN.

Và nếu Canada chọn cách tiếp cận "chờ xem" với việc đầu tư nhỏ giọt, họ sẽ phải hối tiếc đứng nhìn Mỹ và Trung Quốc gặt hái thành công tại khu vực này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục