Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, trang tin trực tuyến Thai PBS World ngày 9/8 dẫn số liệu do Vụ ASEAN của Bộ Ngoại giao Thái Lan tổng hợp cho biết ASEAN được hỗ trợ hơn 1,2 tỷ USD từ 11 đối tác đối thoại, kể cả đối tác đối thoại mới là Anh. Hầu hết các quốc gia đã đóng góp quỹ đặc biệt cho ASEAN để chuẩn bị và ứng phó với đại dịch COVID-19.
Liên minh châu Âu (EU) là đối tác “hào phóng” nhất. Thông qua Team Europe, EU đã cung cấp 941 triệu USD (800 triệu Euro) cùng với 5 triệu USD bổ sung từ Đức và 2 triệu USD từ Italy. Cả hai nước này cũng là đối tác phát triển của ASEAN.
Ngoài ra, Mỹ đã trao tổng cộng 158 triệu USD cho các thành viên ASEAN để ứng phó với dịch COVID-19. Tuần trước khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hội đàm trực tuyến với các ngoại trưởng ASEAN, Mỹ đã đóng góp thêm 500.000 USD cho Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19.
Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ mỗi nước đóng góp 1 triệu USD cho quỹ, trong khi Australia đóng góp 1 triệu AUD (735.576 USD), New Zealand đóng góp 1 triệu NZD (701.000 USD) và Canada cung cấp 3,5 triệu CAT (2,8 triệu USD).
[Malaysia khẳng định tầm quan trọng của sự thống nhất trong ASEAN]
Trong các đối tác ASEAN+3, Nhật Bản đứng đầu với việc phân bổ 50 triệu USD để tài trợ cho việc thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi.
Trung Quốc cũng đã cung cấp 5 triệu USD để tăng cường năng lực cho các thành viên ASEAN trong việc ứng phó với COVID-19.
Là một đối tác đối thoại mới, Anh đã gây ấn tượng mạnh với ASEAN với việc đóng góp 69,4 triệu USD (50 triệu bảng Anh) để giúp ASEAN ứng phó với đại dịch, trong đó có 10,4 triệu USD (7,5 triệu bảng Anh) dành cho Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19./.