"ASEAN phải cùng hành động với tinh thần tin cậy"

Thăm Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Các nước ASEAN phải cùng hành động với tinh thần tin cậy.
Nhân dịp sang thăm chính thức Cộng hòa Singapore, ngày 14/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Trường Chính sách công Lý Quang Diệu và có bài phát biểu quan trọng tại đây với chủ đề “Vì một Đông Nam Á hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.”

TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:

“Thưa ngài Hiệu trưởng,
Thưa quý vị và các bạn,

Nhân dịp sang thăm chính thức Singapore, hôm nay, tôi rất vui mừng được đến thăm và gặp gỡ, trao đổi với các vị đại biểu, các giáo sư, học giả, giảng viên và sinh viên tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu - một trong những trường danh tiếng của Singapore và khu vực Đông Nam Á. Tôi xin chân thành cảm ơn Ngài Hiệu trưởng, Giáo sư Kishore Mahbubani, và các bạn đã dành cho chúng tôi sự đón tiếp nồng hậu, thân tình.

Chúng tôi bày tỏ sự đánh giá cao quá trình xây dựng và phát triển của Nhà trường. Chỉ trong một thời gian ngắn hoạt động, từ Chương trình Chính sách công, giờ đây Trường Lý Quang Diệu đã trở thành một trong những trường hàng đầu trên thế giới về nghiên cứu và đào tạo chính sách công. Có thể nói, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu gắn liền với quá trình phát triển đầy ấn tượng của Singapore, một trong những nước đang đi tiên phong trong phát triển kinh tế tri thức, phát huy mạnh mẽ nhân tố con người dựa trên nguyên tắc nền tảng coi trọng hiền tài. Trường của các bạn với đội ngũ giáo sư, giảng viên cao cấp và gần 400 học viên đang theo học từ 50 quốc gia trên thế giới cũng là biểu hiện sinh động của sự giao lưu, liên kết giữa các quốc gia, dân tộc trong một thế giới đang toàn cầu hóa, là mô hình hiệu quả của tinh thần hợp tác và cống hiến. Chúng tôi nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu rất đáng tự hào của Singapore; chúc nhân dân Singapore tiếp tục phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, không ngừng nâng cao uy tín ở khu vực và trên thế giới. Chúc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu tiếp tục có nhiều thành quả mới trong đào tạo nhân tài cho Singapore và các nước trong khu vực.

Thưa quý vị và các bạn,

Chúng ta đang chứng kiến những biến đổi to lớn và sâu sắc mà cuộc cách mạng khoa học và công nghệ cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đem lại. Hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển là xu thế lớn của thời đại; song chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác... tiếp tục diễn ra phức tạp.

Singapore và Việt Nam có may mắn nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Đông Nam Á - một khu vực đang được cả thế giới đánh giá là phát triển năng động, nhiều tiềm năng nhất, trở thành một đầu tàu tăng trưởng kinh tế của thế giới, thu hút sự quan tâm của các nước lớn và các trung tâm kinh tế-chính trị thế giới, nhưng cũng tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, đe dọa hòa bình, an ninh và phát triển chung.

Tình hình đó vừa tạo thời cơ phát triển, vừa đặt ra những thách thức gay gắt với tất cả các nước; đòi hỏi mỗi quốc gia trong khu vực phải đề cao trách nhiệm, tăng cường đoàn kết nội khối và đẩy mạnh hợp tác với các nước và các tổ chức bên ngoài để thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng. Chúng ta cùng nhau phấn đấu để Đông Nam Á ngày càng là một địa chỉ có sức thu hút cao đối với các nhà đầu tư nước ngoài, các đối tác thương mại và điểm đến hấp dẫn của du khách năm châu.

Từ lịch sử của dân tộc Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, chúng tôi đã đúc kết bài học lớn về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế. Thấm nhuần sâu sắc bài học đó, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Với đường lối đối ngoại đó, chúng tôi đã thu được những thành tựu hết sức quan trọng, làm cho vị thế quốc tế của Việt Nam không ngừng được nâng cao, quan hệ quốc tế của Việt Nam ngày càng mở rộng. Tính đến thời điểm này, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 180 nước, trong đó đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với nhiều nước: Trung Quốc, Nga, Anh, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Tây Ban Nha… Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ với 206 chính đảng ở 114 quốc gia trên thế giới; Việt Nam có quan hệ kinh tế-thương mại với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; quan hệ đầu tư với gần 100 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới; là thành viên của hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực.

Công cuộc đổi mới và mở cửa đã đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm thay đổi cơ bản bộ mặt của đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang đứng trước nhiều thách thức; những yếu kém nội bộ của nền kinh tế càng bộc lộ rõ dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ và suy giảm kinh tế toàn cầu. Trong tình hình đó, sự lựa chọn của chúng tôi là tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới để từng bước đưa nền kinh tế ra khỏi khó khăn, tiến tới phát triển nhanh và bền vững.

Thưa quý vị và các bạn,

Chuyến thăm chính thức Singapore lần này của tôi diễn ra vào dịp các nước ASEAN chúng ta vừa kỷ niệm 45 năm thành lập Hiệp hội và đang cùng nhau nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, có vị trí, vai trò trung tâm trong các cấu trúc bảo đảm hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực. Nhìn lại chặng đường phát triển 45 năm qua và hướng đến những chặng đường phát triển tới đây của ASEAN, chúng ta thấy không chỉ có thuận lợi, mà còn cả những khó khăn, thách thức, đòi hỏi các nước ASEAN phải cùng nhau hành động với tinh thần tin cậy, đoàn kết và hợp tác trên cơ sở giữ vững các nguyên tắc cơ bản đã nêu trong Hiến chương ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực, phát huy vai trò chủ động của ASEAN trong việc củng cố môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực. Với tư cách là một khu vực mở, ASEAN cần tiếp tục mở rộng hợp tác cùng có lợi với các nước và các đối tác khác, không nhằm chống lại bất cứ quốc gia hoặc liên minh nào. Với vai trò trung tâm, ASEAN cần thúc đẩy các biện pháp nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và an ninh chung của khu vực. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn kết và vững mạnh có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Việc tiến tới một Đông Nam Á hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển phồn vinh là mục tiêu chung của chúng ta.

Gần đây, tình hình khu vực Đông Nam Á có mặt trở nên căng thẳng bởi những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, một vùng biển có tầm quan trọng cả về địa chiến lược và địa kinh tế đối với khu vực và thế giới. Đây là một thực tế đáng lo ngại. Là một nước có liên quan trực tiếp, Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm chỉnh Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Hướng dẫn thực hiện DOC giữa ASEAN và Trung Quốc, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, cam kết tích cực cùng các nước ASEAN thúc đẩy đàm phán để sớm ký với Trung Quốc Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) theo đúng tinh thần Tuyên bố 6 điểm của các Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông. Đồng thời, Việt Nam đề nghị các nước tôn trọng quyền lợi chính đáng của Việt Nam là một quốc gia ven biển, trong đó có các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế đã được quy định trong luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Chúng tôi cho rằng duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực là mong muốn chung, lợi ích chung và trách nhiệm chung của tất cả các nước thành viên trong ASEAN.

Là một thành viên của ASEAN, Việt Nam triệt để tuân thủ nguyên tắc đã nêu trong Hiến chương ASEAN là: “Không tham gia vào bất kỳ một chính sách hay hoạt động nào, kể cả việc sử dụng lãnh thổ của một nước, do bất kỳ một quốc gia thành viên ASEAN hay ngoài ASEAN hoặc đối tượng không phải là quốc gia tiến hành, đe dọa đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hay sự ổn định chính trị và kinh tế của các quốc gia thành viên ASEAN”; đồng thời, cam kết thực hiện nguyên tắc này với tất cả các nước ngoài ASEAN, không lôi kéo, không tham gia liên minh của nước này để chống lại nước khác. Việt Nam sẽ nỗ lực không ngừng mở rộng sự hợp tác của bản thân mình và sự hợp tác của ASEAN với các nước ngoài khu vực, nhất là với tất cả các nước đối thoại của ASEAN, các nước lớn như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ…

Với tinh thần đó, đến nay Việt Nam đã tham gia một cách có trách nhiệm tất cả các cơ chế hợp tác hiện có của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, coi ASEAN thực sự là gia đình lớn thân thiết của mình, coi các nước đối tác là những người bạn đồng hành không thể thiếu trên con đường phát triển.

Thưa quý vị và các bạn,

Lần đầu tiên sang thăm chính thức Singapore - quốc đảo xinh đẹp và rất gần gũi với Việt Nam, được tận mắt chứng kiến sự phát triển của đất nước các bạn, tôi thực sự có ấn tượng sâu sắc về sự năng động và thịnh vượng của Singapore, về sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, cũng như về sự thống nhất trong đa dạng của đất nước các bạn. Sự phát triển của Singapore là kinh nghiệm quý đối với Việt Nam khi chúng tôi đã và đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhân loại đang tiến vào kỷ nguyên kinh tế tri thức. Đây là bước phát triển về chất của xã hội loài người. Và để không bị tụt hậu, các nước đều phải quan tâm đầu tư mạnh mẽ cho phát triển nguồn lực con người. Việt Nam cũng vậy, chúng tôi đã xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong những khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao và rất quan tâm học hỏi kinh nghiệm thành công của Singapore trong việc thực hiện chính sách ưu tiên đầu tư cho giáo dục, đào tạo, luôn coi nguồn lực con người là tài nguyên chủ đạo để phát triển đất nước. Chúng tôi chân thành cảm ơn Chính phủ và nhân dân Singapore đã chia sẻ những kinh nghiệm và dành cho Việt Nam sự giúp đỡ thiết thực, hiệu quả.

Thưa quý vị và các bạn,

Trong cuộc hội đàm sâu sắc, toàn diện, hiệu quả ngày 12/9 vừa rồi, tôi và ngài Thủ tướng Lý Hiển Long rất vui mừng thấy rằng, quan hệ Việt Nam-Singapore đang phát triển tốt đẹp, mở ra cơ hội thuận lợi cho việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước cũng như sự hợp tác trong ASEAN. Cách đây gần 10 năm, hai nước chúng ta đã ký “Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ XXI” và Hiệp định khung kết nối, tạo khuôn khổ pháp lý và điều kiện thuận lợi thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Không phải ngẫu nhiên mà Singapore là một trong những đối tác đầu tư-thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt gần 9 tỷ USD; hợp tác trên các lĩnh vực khác cũng đang phát triển rất năng động; số người Việt Nam sang Singapore và số người Singapore đến Việt Nam ngày càng nhiều. Đó là kết quả của sự hợp tác tin cậy và có chiều sâu giữa hai nước.

Chúng tôi coi trọng quan hệ với Singapore, nỗ lực thúc đẩy hợp tác với Singapore và cho rằng, sự hợp tác sâu rộng, chân thành và tin cậy giữa Việt Nam và Singapore là nhân tố quan trọng trong sự phát triển của mỗi nước, đồng thời góp phần có ý nghĩa vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực Đông Nam Á.
Năm 2013 sẽ là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Singapore, khi chúng ta cùng nhau kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trên nền tảng hợp tác vững chắc và sâu rộng đã tạo dựng được 40 năm qua và để phát huy những tiềm năng hợp tác còn rất lớn, tôi và ngài Thủ tướng Lý Hiển Long cùng các nhà lãnh đạo khác của Singapore đã nhất trí cùng nỗ lực phát triển hơn nữa quan hệ Việt Nam-Singapore, đưa quan hệ lên tầm cao đối tác chiến lược. Đây là quyết tâm chung và là kết quả quan trọng của hội đàm cấp cao Việt Nam-Singapore lần này.

Một lần nữa, tôi xin cảm ơn quý vị và các bạn đã đến dự buổi nói chuyện ngày hôm nay. Chúng tôi kỳ vọng vào bước phát triển trong tương lai của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu và mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác và giúp đỡ của Trường đối với việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.
Xin chúc ngài Hiệu trưởng, Giáo sư Kiso Mabubani, toàn thể quý vị và các bạn sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Xin cảm ơn"./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục