Theo phóng viên TTXVN tại Ấn Độ, từ ngày 16-18/3, tại thành phố Bhubanneswar, bang Odisha, miền Đông Ấn Độ đã diễn ra cuộc hội thảo về khai thác tiềm năng phát triển của các bang Đông Bắc và Đông của nước này với các quốc gia phía Đông do Quỹ quốc tế Kalinga tổ chức.
Hội thảo lần này có tên gọi "Miền Đông gặp gỡ phía Đông."
Tham dự hội thảo có đông đảo các quan chức, học giả của Ấn Độ và 16 quốc gia phía Đông của Ấn Độ như Nepal, Sri Lanka, Nhật Bản, các quốc gia Đông Nam Á.
Đại sứ các nước tại Ấn Độ như Việt Nam, Sri Lanka, Thái Lan, Philippines, Myanmar... tham dự và có bài phát biểu tại hội thảo.
Hội thảo có các phiên thảo luận chính, bao gồm Hợp tác kinh tế; Kết nối hàng hải và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; Kết nối khu vực; Hợp tác năng lượng; Hợp tác du lịch, văn hóa và đạo Phật; Kết nối phụ nữ, thanh niên và xã hội dân sự.
Phát biểu trong phiên khai mạc ngày 16/3, Bộ trưởng Dầu khí, Phát triển kỹ năng và Doanh nghiệp Ấn Độ Dharmendra Pradhan cho rằng vùng Đông Bắc và Đông Ấn Độ có mối quan hệ gần gũi từ xa xưa khi tổ tiên những người Ấn Độ ngày nay đã đi thuyền đến các quốc gia láng giềng phía Đông để mua bán vải vóc, gia vị... Quá trình đó đã dẫn đến những giao thoa trong các lĩnh vực văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo, kiến trúc...
Ông bày tỏ hy vọng hội thảo lần này sẽ khám phá những lợi ích các bên cùng quan tâm và thúc đẩy đối thoại.
Trong khi đó, Chủ tịch Quỹ quốc tế Kalinga Lalit Mansingh cho rằng với vai trò trung tâm trong chính sách "Hành động hướng Đông" của Chính phủ Ấn Độ, vùng Đông Bắc và Đông Ấn Độ sẽ trở thành đối tác thực sự của các quốc gia láng giềng thân thiện ở phía Đông như Bangladesh, Bhutan, Nepal, Sri Lanka, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Australia và Nhật Bản.
Trong bài phát biểu của mình, Đại sứ Tôn Sinh Thành đánh giá cao Quỹ quốc tế Kalinga đã tổ chức cuộc hội thảo này vào một thời điểm rất có ý nghĩa và đúng lúc Ấn Độ đang thúc đẩy chính sách "Hành động hướng Đông" và hợp tác kinh tế giữa vùng Đông Bắc và Đông Ấn Độ với các quốc gia phía Đông trở nên thiết yếu trong bối cảnh mới ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đề cập đến hợp tác kinh tế giữa các quốc gia ASEAN và các bang Đông và Đông Bắc Ấn Độ, Đại sứ Tôn Sinh Thành cho rằng triển vọng hợp tác giữa các bên rất lớn nhờ các yếu tố như sự gần gũi về địa lý, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự tương đồng về văn hóa, lối sống, sự quyết tâm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các bên, và cả Ấn Độ và ASEAN đang phát triển rất năng động.
Trên thực tế, hợp tác kinh tế Ấn Độ-ASEAN trong thập kỷ qua đạt được nhiều tiến bộ, với việc thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN đã tăng gấp đôi, lên 76 tỷ USD vào năm 2017.
Đại sứ tin rằng thương mại giữa hai bên sẽ tiếp tục phát triển trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ có hiệu lực từ năm 2010 đã loại bỏ thuế đối với nhiều mặt hàng. ASEAN hiện trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ trong khi Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 7 của ASEAN.
Bên cạnh đó, quan hệ đầu tư giữa Ấn Độ và ASEAN tăng trưởng ổn định trong nhiều năm qua. Các khoản đầu tư từ ASEAN sang Ấn Độ đã đạt hơn 70 tỷ USD trong 17 năm qua, chiếm hơn 17% tổng lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Ấn Độ.
Tuy nhiên, Đại sứ Tôn Sinh Thành cũng cho rằng nhiều thách thức đang cản trở hợp tác kinh tế như sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng, kết nối cũng như các bên chưa thực sự quan tâm đến việc tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhau. Nếu so sánh thương mại và đầu tư giữa ASEAN và Ấn Độ với các đối tác khác, hợp tác kinh tế của Ấn Độ và ASEAN vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Theo Đại sứ Tôn Sinh Thành, tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Đông Nam Á với vùng Đông Bắc và Đông Ấn Độ là rất lớn. Để biến tiềm năng thành hiện thực, các bên cần nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện kết nối, cơ sở hạ tầng, duy trì hòa bình, an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Bên cạnh bài phát biểu của Đại sứ Tôn Sinh Thành, giáo sư Lê Văn Toan, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ, cũng có bài tham luận đi sâu phân tích về giao lưu tiếp biến văn hóa Việt Nam-Ấn Độ trong chiều dài lịch sử 2.000 năm qua.
Tham luận nhấn mạnh đến sự giao lưu tiếp biến về đạo Phật ở miền Bắc, đạo Hindu để góp phần hình thành Vương quốc Chăm ở miền Trung và đạo Bà La Môn để hình thành nền văn hóa Óc Eo ở miền Nam Việt Nam; trong khi Tiến sỹ Võ Xuân Vinh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam có bài tham luận trong phiên Kết nối hàng hải và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương./.