Australia chế tạo cảm biến cảnh báo nguy hiểm cho quân đội

Tập đoàn Công nghệ và Khoa học Quốc phòng Australia đang thực hiện một dự án sử dụng internet vạn vật (IoT) giúp nâng cao khả năng nhận biết tình huống cho các chỉ huy quân đội trên mặt đất.
Australia chế tạo cảm biến cảnh báo nguy hiểm cho quân đội ảnh 1Binh sỹ Australia. (Nguồn: abc.net.au)

Một trong những thách thức chủ yếu đối với các hoạt động quân sự hiện nay là tình huống một đội quân phải chiến đấu trong một thành phố lớn, nơi các tuyến đường xâm nhập hoặc rút lui bị hạn chế, môi trường phức tạp và tắc nghẽn và hàng nghìn dân thường xen kẽ với lực lượng địch.

Về mặt quân sự, đây được gọi là “môi trường đô thị chiến sự” và đang trở thành một trọng tâm quan trọng đối với các lực lượng quân sự trên khắp thế giới muốn tìm cách giành lợi thế trước kẻ địch.

Theo nhật báo The Australian, Tập đoàn Công nghệ và Khoa học Quốc phòng Australia (DST) đang thực hiện một dự án sử dụng internet vạn vật (IoT) giúp nâng cao khả năng nhận biết tình huống cho các chỉ huy quân đội trên mặt đất.

[Hai tàu hải quân Hoàng gia Australia thăm thiện chí Việt Nam]

IoT là mạng lưới các thiết bị vật lý được kết nối qua internet hoặc một mạng khác để cung cấp thông tin tổng hợp nhiều hơn bất kỳ một thiết bị đơn lẻ nào.

Trong đời sống hàng ngày, IoT được sử dụng cho các thiết bị gia đình được điều khiển từ xa như hệ thống sưởi và làm mát, và sử dụng cảm biến trong các thùng rác đô thị giúp xác định thùng nào cần được dọn sạch trước tiên.

Tiến sỹ Christine Shanahan của Tập đoàn DST là người đứng đầu nhóm sử dụng IoT để kết nối một mạng lưới các cảm biến có giá thành tương đối rẻ có thể lắp đặt trong một khu vực tác chiến trong đô thị để cung cấp thông tin về các tình huống quan trọng cho các chỉ huy quân đội.

Được gọi là internet vạn vật quân sự (IoMT), hệ thống các cảm biến này đang được phát triển với sự hợp tác với công ty Myriota có trụ sở tại Nam Australia, sử dụng công nghệ thương mại (COTS).

Các cảm biến sẽ phát hiện các hóa chất độc hại và truyền thông tin cho các chỉ huy trên mặt đất bằng công nghệ vệ tinh nano quỹ đạo thấp Trái đất của công ty Myriota, trước khi binh lính được triển khai vào khu vực mục tiêu.

Bà Shanahan cho biết thiết bị đầu cuối dữ liệu IoT của công ty Myriota có thể kết nối trực tiếp với vệ tinh quỹ đạo Trái đất thấp, do đó có thể hoạt động ở những khu vực mà quân đội chưa thiết lập được cơ sở hạ tầng để truyền dữ liệu.

Các thiết bị cảm ứng rất nhỏ có thể đặt rải rác trong khu vực tác chiến hoặc đặt trên trên các thiết bị bay hay vận hành trên mặt đất không người lái.

Khi các cảm biến này phát hiện ra một điều gì đó, thông tin sẽ được gửi tới vệ tinh được xử lý và chuyển tới người chỉ huy để đưa ra quyết định về hoạt động tác chiến của binh lính.

IoMT đã được thử nghiệm thành công lần đầu tiên trong các cuộc diễn tập quân sự của năm nước trong nhóm tình báo Five Eyes (gồm Australia, Canada, New Zealand, Vương quốc Anh và Mỹ) được tổ chức tại Montreal, Canada vào tháng 9/2018.

Bà Shan Shanan nói bước tiếp theo của nhóm nghiên cứu sẽ là hoàn thiện công nghệ, tăng độ vững chắc của hệ thống để có thể sử dụng trong các hoạt động quân sự và tích hợp đầy đủ các cảm biến khác để phát hiện độ rung và âm thanh.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đang xem xét các phương thức truyền dữ liệu khác như bluetooth và wifi.

Tuy nhiên, báo The Australia không cho biết khi nào hệ thống IoMT có thể chính thức đưa vào sử dụng trên thực tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục