Australia: Chỉ thủ tướng và nội các có quyền quyết định tham chiến

Ủy ban Quốc hội Australia nhấn mạnh rất nhiều trong số những cuộc xung đột mà nước này tham gia đã gây “tranh cãi,” tuy nhiên, Hiến pháp của Australia không đề cập đến các quyết định tham chiến.
Australia: Chỉ thủ tướng và nội các có quyền quyết định tham chiến ảnh 1Thủ tướng Australia Anthony Albanese. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, phản hồi về cuộc điều tra của Quốc hội, Chính phủ Australia ngày 8/8 cho biết theo hệ thống chính trị của Australia, thủ tướng và nội các mới có thẩm quyền quyết định việc nước này tham chiến, chứ không phải Quốc hội.

Chính phủ Công đảng của Thủ tướng Anthony Albanese cho biết sẽ tăng cường trách nhiệm giải trình bằng cách đưa ra tuyên bố cấp bộ trưởng tại lưỡng viện Quốc hội, nhằm thông báo kịp thời quyết định của cơ quan hành pháp về tham gia vào các chiến dịch quân sự lớn.

Chính phủ cũng sẽ thành lập một ủy ban Quốc hội có quyền tiếp cận thông tin tình báo để cải thiện việc giám sát các hoạt động quốc phòng lớn.

[Quốc hội Australia đối mặt với nguy cơ giải tán và bầu cử sớm]

Australia đã tham gia 10 cuộc xung đột kể từ Chiến tranh Thế giới thứ nhất, gần đây nhất là tại Syria năm 2015.

Trong báo cáo, ủy ban trên nhấn mạnh rất nhiều trong số những cuộc xung đột mà Australia tham gia đã gây “tranh cãi.” Tuy nhiên, Hiến pháp của Australia không đề cập đến các quyết định tham chiến.

Tháng Tư vừa qua, Chính phủ Australia đã công bố bản Đánh giá Chiến lược quốc phòng, một trong những tài liệu quốc phòng quan trọng nhất của nước này kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Bản Đánh giá đặt ra kế hoạch chi tiết cho chính sách chiến lược của nước này, lập kế hoạch quốc phòng và huy động nguồn lực cho ngành quốc phòng Australia trong những thập kỷ tới.

Phát biểu sau khi công bố bản đánh giá, Thủ tướng Albanese tuyên bố: “Chính phủ Australia nhất trí với định hướng chiến lược và những phát hiện quan trọng nêu trong bản đánh giá, điều này sẽ củng cố an ninh quốc gia và đảm bảo Australia sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong tương lai.”

Trên cơ sở chương trình nghị sự đầy tham vọng này, Australia đang cải tổ lực lượng quốc phòng và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục