Australia 'hóa giải' sự độc quyền cung cấp đất hiếm của Trung Quốc

Trên nhật báo The Sydney Morning Herald, tác giả Eryk Bagshaw đã đăng bài phân tích về cuộc đua trong lĩnh vực đất hiếm giữa Australia và Trung Quốc.
Australia 'hóa giải' sự độc quyền cung cấp đất hiếm của Trung Quốc ảnh 1Đất hiếm chuẩn bị được đưa đi xuất khẩu tại Liên Vân Cảng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hiện nay, các sản phẩm như điện thoại, máy ảnh hoặc ôtô điện đều sử dụng các loại khoáng chất mà hiện chỉ có thể được chế biến ở Trung Quốc. Trong hai thập kỷ qua, điều này vẫn ổn: một nguyên trạng giúp Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa đi khắp thế giới nhờ chi phí sản xuất giá rẻ.

Nền kinh tế toàn cầu đang phát triển, số lượng điện thoại thông minh được bán ra nhiều hơn tổng số người trên toàn cầu, và thị trường xe điện cũng đang phát triển.

Giờ đây, khi nguồn cung bị thu hẹp, căng thẳng địa chính trị gia tăng và sự phụ thuộc của thế giới vào các khoáng chất này để sử dụng hàng ngày tăng cao, các nhà hoạch định chính sách đang phải đối mặt với lỗ hổng trong quá trình phát triển đất hiếm trên thế giới, có nguy cơ ảnh hưởng đến các hoạt động quân sự cũng như dân dụng.

Trên nhật báo The Sydney Morning Herald, tác giả Eryk Bagshaw đã đăng bài phân tích về cuộc đua trong lĩnh vực đất hiếm giữa Australia và Trung Quốc.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Trong mỗi chiếc điện thoại Iphone có 0,15g palladi, một chiếc máy bay chiến đấu F-35 có khoảng 472kg các loại đất hiếm kết hợp và có tới 4 tấn đất hiếm trong cấu tạo của mỗi chiếc tàu ngầm lớp Virginia.

Bộ trưởng Tài nguyên Australia Keith Pitt cho biết: “Một số loại nguyên tố này chỉ có trữ lượng rất thấp trong kho dự trữ của chính phủ nếu tính theo khối lượng, chỉ tính bằng đơn vị kg so với mức tấn của nhiều nguyên tố khác. Điều này cho thấy độ hiếm của các nguyên tố này."

Ôxít Europi (Eu), được sử dụng để tạo ra màu đỏ trong các loại ti vi dùng trong các hộ gia đình, chỉ có trữ lượng khoảng 20 tấn trên toàn cầu; hay như hợp kim Dysprosi (Dy) - được sử dụng trong một số loại nam châm - chỉ có khoảng dưới 500kg. Nhưng chính than chì (graphite), một thành phần quan trọng để chế tạo các loại pin lithium-ion trong điện thoại, máy tính xách tay, thiết bị quân sự, y tế và ôtô điện, đã châm ngòi cho cuộc đua khoáng sản nóng bỏng nhất.

Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Brazil và Mozambique là những quốc gia có trữ lượng than chì lớn nhất thế giới, nhưng chỉ Trung Quốc có công nghệ và quy mô để tinh chế khoáng chất này thành graphene và các hợp chất cực dương của pin để làm cho loại vật liệu này trở nên hữu ích.

Andrew Spinks, Giám đốc điều hành của Công ty chế biến than chì đầu tiên EcoGraf tại Australia, cho biết: “Không có nhà cung cấp nào khác trên thế giới ngoại trừ Trung Quốc sản xuất nguyên liệu này. Đây là loại khoáng chất có khả năng dẫn điện tốt nhất được biết đến, tiếp theo mới tới vàng."

Trung Quốc đã tuyên bố than chì là một khoáng sản chiến lược. Hiện có khoảng 195 khu vực khai thác tại 20 tỉnh của Trung Quốc, chiếm tới 70% lượng than chì đã qua chế biến được xuất khẩu của thế giới. Sự thống trị và thương hiệu ngày càng phổ biến của các công ty Trung Quốc có mối liên hệ với nhà nước đã khiến nhiều chính phủ lo ngại rằng trong trường hợp xảy ra tình trạng thiếu hụt hoặc có tranh chấp quân sự ở Biển Đông, nguồn cung của loại hợp chất này có thể bị gián đoạn.

Trong một cuộc phỏng vấn tại Canberra, Bộ trưởng Keith Pitt cho rằng việc chỉ có một nguồn cung cấp dù là đối với bất kỳ loại sản phẩm nào cũng sẽ làm gia tăng rủi ro đối với sản phẩm đó.

Trong các tháng cuối năm 2019, Trung Quốc đã bắt đầu giảm bớt xuất khẩu các mặt hàng đất hiếm, trước khi mối quan hệ với Mỹ, Australia và châu Âu bị ảnh hưởng bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) và những sự kiện ở Hong Kong. Chỉ tính riêng từ tháng 8-9/2019, xuất khẩu đất hiếm từ Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 18%.

Trong khi đó, Australia - quốc gia thường chỉ tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu phổ biến, có lợi nhuận cao như quặng sắt - lại đang sở hữu trữ lượng than chì lên tới 200 triệu tấn tại khu vực bang Nam Australia.

Giáo sư Dusan Losic - Giám đốc trung tâm nghiên cứu graphene của Australia - khẳng định Australia có trữ lượng than chì rất lớn tại Nam Australia, nhưng sẽ không thể làm gì nếu thiếu sự đầu tư.

Chính phủ Australia đã cam kết khoản kinh phí 125 triệu AUD (khoảng 91 triệu USD) để khảo sát hai khu vực hành lang kéo dài 2.500km với hy vọng tìm kiếm được thêm các khu vực có trữ lượng các nguyên tố đất hiếm khác.

Một hành lang trải dài từ Vịnh Carpentaria tới khu vực biên giới 3 bang New South Wales, South Australia và Victoria. Hành lang thứ hai kéo dài từ khu vực thành phố Darwin (Bắc Australia) đến khu vực Great Australian Bight (Vịnh Đại Úc). Chính phủ Australia cũng đã đầu tư 4,5 triệu AUD (3,3 triệu USD) vào công tác nghiên cứu và phát triển khoáng sản quan trọng thông qua Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang Australia (CSIRO) và Cơ quan khảo sát địa chất Australia (Geoscience Australia), nhưng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết sự đầu tư đó là chưa đủ.

Giáo sư Losic cho biết chi phí tối thiểu để khởi động một nhà máy chế biến than chì là 60 triệu AUD (43,7 triệu AUD).

Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Perth USAsia, tiến sỹ Jeffrey Wilson, cho biết Australia có năng lực địa chất và kỹ thuật dồi dào, nhưng rủi ro đầu tư cao hơn mức mà các doanh nghiệp tư nhân có thể quản lý.

Ông Wilson nói: “Trung Quốc nắm độc quyền toàn cầu trong việc sản xuất các loại khoáng chất đất hiếm, được sử dụng trong các hệ sinh thái công nghệ dân sự và quốc phòng. Với việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại đối với nhiều quốc gia vào đầu năm 2020, có nguy cơ đất hiếm sẽ được sử dụng như một loại vũ khí trong những tháng tới."

Trong tháng 6 vừa qua, Australia đã ký thỏa thuận nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ, trong đó có điều khoản cho phép cung cấp tài nguyên đất hiếm cho quốc gia châu Á này.

Một thỏa thuận khác với Mỹ được thực hiện vào tháng Bảy sau khi công ty khai thác đất hiếm Lynas của Australia tuyên bố sẽ hợp tác với một cơ sở tại bang Texas của Mỹ để thực hiện xử lý khoáng sản với sự ủng hộ của Lầu Năm Góc.

[Thúc đẩy sản xuất đất hiếm - ưu tiên hàng đầu của Australia]

Công ty Syrah của Australia cũng đang xây dựng một dây chuyền sản xuất ở bang Louisiana của Mỹ, đây sẽ là dây chuyền đầu tiên bên ngoài Trung Quốc chế biến được than chì thành vật liệu cực dương hoạt tính được sử dụng trong xe điện.

Theo Bộ trưởng Keith Pitt, Australia hiện đang được quốc tế theo dõi chặt chẽ, và mọi người dân Australia sẽ nhận ra điều này quan trọng như thế nào đối với đất nước.

Ông cho rằng điều này cũng ảnh hưởng lớn đến các mối quan hệ đối tác chiến lược của Australia, và đó là lý do vì sao Australia đang làm việc chặt chẽ với Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và châu Âu cùng nhiều quốc gia khác liên quan đến lĩnh vực này. Các quốc gia đều nhận ra rằng lợi ích của họ cần được bảo đảm bằng sự đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu.

Người phát ngôn của công ty Lynas cho biết đại dịch COVID-19 đã cho thấy tầm quan trọng của chuỗi cung ứng linh hoạt và đảm bảo nguồn cung cấp đa dạng các khoáng chất quan trọng. Chỉ khi nguy cơ về việc cạn kiệt nguồn cung các nguyên tố đất hiếm trở nên rõ ràng thì lĩnh vực này mới được các doanh nghiệp chú ý.

Một trong những lý do khiến Trung Quốc chiếm ưu thế trong hoạt động chế biến than chì là do nước này sử dụng các hóa chất có độc tính cao trong quá trình tinh chế, điều mà các nước khác không muốn làm. Cụ thể, các nhà chế biến của Trung Quốc sử dụng axít flohydric (HF) để loại bỏ tạp chất. Hóa chất này có tính ăn mòn cao và thải hóa chất ra đất và nước xung quanh. Quá trình xử lý than chì cũng tạo ra các chất gây ô nhiễm không khí, từ đó có thể gây ra các bệnh về đường hô hấp.

Bộ trưởng Pitt cho biết Australia không có ý định thay đổi bất kỳ biện pháp kiểm soát môi trường nào để cho phép khai thác hoặc chế biến nhiều hơn. Theo ông, rủi ro sẽ được giảm đáng kể nếu các khuôn khổ này được đảm bảo.

Công ty EcoGraf đã dành ba năm để phát triển một quy trình thanh lọc thân thiện với môi trường nhằm tránh việc phải sử dụng HF và thải các chất gây ô nhiễm không khí. Nhà máy mới của công ty, cơ sở tinh chế than chì đầu tiên ở Australia, sẽ được xây dựng tại Kwinana, bang Tây Australia, sau khi công ty nhận được đầu tư từ Cơ quan Tài chính Xuất khẩu của chính phủ Australia và chính phủ Đức để khai thác than chì từ một mỏ ở Tanzania.

Ông Spinks cho biết việc Australia thành lập Văn phòng các khoáng sản quan trọng (ACMO) dưới sự lãnh đạo của Jessica Robinson - cựu quan chức cấp cao của Bộ Tài chính và Bộ Thủ tướng và Nội các - là một dấu hiệu cho thấy Chính phủ Australia đang nghiêm túc đối mặt với thách thức về nguồn cung cấp đất hiếm.

Tuy nhiên, ông cho rằng cần có thêm sự hỗ trợ của chính phủ để giải quyết các chi phí trả trước đáng kể trong khâu khai thác và xử lý vật liệu. Nếu điều này không được thực hiện, các khoáng chất sử dụng trong các loại pin sẽ được xuất khẩu ra nước ngoài với lợi nhuận chỉ khoảng 1% và sau đó sẽ vẫn phải mua lại, một điều rõ ràng không mang lại lợi ích gì cho Australia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục