Khóa học do Trung tâm hợp tác Nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản, Công ty Cổ phần RGF phối hợp tổ chức. Mục tiêu của khóa học là trang bị những kỹ năng không thể thiếu trước khi bước vào làm việc tại công sở trong môi trường hội nhập quốc tế ngày càng tăng, đặc biệt là cung cấp kiến thức và kỹ năng mềm cơ bản cho nhân viên văn phòng làm việc với đối tác Nhật Bản.
Buổi học đầu tiên vừa được tổ chức tại Đại học Ngoại thương, ngày 24/9/2011, cho các nhân viên của Công ty Cổ phần kỹ thuật nền móng và công trình ngầm FECON.
Anh Trần Minh Tuấn, nhân viên Công ty FECON chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được biết người Nhật chú trọng trong việc chào hỏi như thế nào. Ví dụ như khi gặp nhau ngoài hành lang thì cúi chào một góc 15 độ, chào hỏi thông thường lại phải cúi thấp hơn, tạo góc 30 độ, khi kính chào lịch sự lại phải cúi thấp hơn nữa, tạo góc 45 độ”.
Mặc dù chưa từng làm việc trong một công ty của Nhật Bản hay tiếp xúc với đối tác người Nhật nhưng anh Tuấn cho biết, những hiểu biết đó sẽ giúp anh tự tin hơn khi gặp người Nhật. “Văn hóa này của người Nhật có vẻ hơi quá cầu kỳ so với người Việt và có lẽ chỉ áp dụng được với đối tác nước này, tuy nhiên, qua đó, tôi cũng học được những điều tích cực trong giao tiếp mà mình có thể ứng dụng hàng ngày như thái độ chân thành, cởi mở, nét mặt vui vẻ tươi cười khi chào hỏi, phong thái tự tin thể hiện qua việc giữ thẳng người khi đi, đứng” anh Tuấn cho hay.
Còn với Hà Hải Yến, cũng là nhân viên Công ty FECON, chị lại ấn tượng với cách trao đổi danh thiếp có vẻ cầu kỳ không kém màn chào hỏi của người Nhật: “Đơn giản là trao danh thiếp thôi cũng có hàng loạt nguyên tắc,” Yến nhận xét.
Để minh chứng, Yến liệt kê hàng loạt những bước trong nghệ thuật ứng xử này như: khi trao phải không có vật cản giữa mình và đối tác, phải kèm theo hộp đựng thiếp, xoay thiếp về phía đối phương sao cho người nhận có thể đọc một cách dễ dàng, chào hỏi, cúi chào, vừa xưng tên vừa lấy danh thiếp, nhận danh thiếp bằng cả hai tay, để hộp đựng danh thiếp phía dưới như khay đỡ, khi trao nên hạ thấp danh thiếp của mình xuống một chút so với đối tác, vừa nhận vừa nói “Tôi xin nhận”, nhận xong phải hỏi xác nhận lại…
Có hàng loạt những nguyên tắc như thế nên để học viên ghi nhớ, cả lớp được huy động để tham gia vào cuộc thi xem ai là nhân viên có phong cách giao tiếp với người Nhật tốt nhất. Phần thưởng dành cho người chiến thắng là một… đôi đũa. Điểm được chấm bằng những tràng pháo tay cổ vũ nhiệt liệt của các thành viên.
Yến cho biết, vừa học vừa chơi nên chị thấy rất thú vị. Tuy thủ tục của người Nhật có vẻ hơi… rườm rà nhưng do được thực hành luôn, làm đi làm lại nhiều lần nên dễ nhớ hơn.
Có lẽ vì thế, đến cuối buổi học, ông Mitsuru Murai, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần RGF, người phụ trách đứng lớp đã tỏ ra khá mãn nguyện vì những học trò của mình: “Tôi thấy cách giao tiếp của các bạn bây giờ đã không khác gì người Nhật Bản thực thụ.”
Không chỉ được học cách đi đứng, giao tiếp, ứng xử cơ bản trong môi trường công sở Nhật Bản, các học viên còn được ông MyungJeong Kim, người từng có rất nhiều kinh nghiệm tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam của Công ty RGF, hướng dẫn từ cách ăn mặc, đầu tóc, trang sức, trang điểm…
“Khóa học chỉ kéo dài 3 giờ, nhưng trong ba tiếng đồng hồ ấy, em thấy mình đã học hỏi được rất nhiều điều từ những điều nhỏ nhất mà mình dễ xem thường và bỏ qua, dù hơi… mỏi lưng vì phải luôn luôn đứng thẳng. Thế mới biết người Nhật luôn cẩn trọng, chỉn chu trong từng chi tiết nhỏ nhặt," Hải Yến vui vẻ nói.
Theo ông Mitsuru Murai, người Việt Nam thông minh, nhanh nhẹn, vui vẻ nhưng nhiều người khá dè dặt và thiếu tác phong công nghiệp chuẩn mực. Những khóa học như thế này là một phần trong các hoạt động của Công ty, nhằm đào tạo nhân lực Việt Nam vừa có năng lực chuyên môn, vừa chuyên nghiệp trong tác phong công sở. Từ đó, Công ty sẽ có thể giới thiệu những ứng viên ưu tú có nhu cầu làm việc tại các công ty nước ngoài, nhất là các công ty của Nhật Bản./.