Câu hỏi lớn nhất đặt ra lúc này trên chính trường Mỹ là liệu Hillary Clinton có chạy đua tranh cử tổng thống vào năm 2016. Dù cho bà có bác bỏ khả năng đó bao nhiêu lần, không ai thật sự tin hoàn toàn rằng người phụ nữ phi thường này sẽ chấp nhận lui vào hậu trường. “Tôi đã nói tôi không thực sự tin rằng tôi sẽ làm chuyện đó một lần nữa,” bà nhắc lại, ý nói tới nỗ lực ra tranh cử năm 2008, trong cuộc trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình ABC tuần này khi được hỏi về khả năng ra tranh cử năm 2016. Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ sắp rời cương vị bộ trưởng ngoại giao, nhưng sự ủng hộ dành cho bà trong người dân Mỹ hiện lên tới 50%, cao hơn bất kỳ ai trong nội các của Tổng thống Barack Obama, người đã đánh bại bà trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ bốn năm trước. “Mọi người Dân chủ tôi gặp đều nói họ hy vọng bà ấy ra tranh cử. Không cần sơ bộ gì cả, sẽ trao luôn vị trí ứng viên vào tay bà ấy,” đảng viên Dân chủ James Carville, một người bạn của gia đình Clinton, nói với ABC hôm Chủ nhật. “Những người Dân chủ muốn bà ấy ra tranh cử. Tôi không nói là nhiều người, mà là gần như tuyệt đại đa số, 90% trên cả nước.” Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy Carville có lý. Một cuộc thăm dò của Washington Post-ABC tháng trước cho thấy 57% người Mỹ nói họ sẽ ủng hộ nếu bà ra tranh cử. Ấn tượng hơn, 60% phụ nữ của phe Cộng hòa cũng ủng hộ bà Clinton. Bốn năm là một khoảng thời gian dài trong chính trị, nhưng bà Clinton hẳn vẫn còn khát vọng phá vỡ bức tường cuối cùng của quyền bình đẳng giới ở Mỹ: một nữ tổng thống. Chồng bà, cựu tổng thống Bill Clinton, được cho là cũng muốn vợ ra tranh cử.
Bà Hillary Clinton sẽ là Tổng thống kế nhiệm ông Barack Obama? (Nguồn:AFP)
Sau khi đã giúp Obama giành chiến thắng lịch sử nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 11 vừa rồi, gia đình Clinton không phải nghĩ ngợi gì về việc sẽ được ông ủng hộ bốn năm sau, nếu bà Clinton ra tranh cử. Bên phía Dân chủ hầu như không còn ứng viên nào khác đủ sức cạnh tranh với bà trong phiên đề cử. Phó tổng thống Joe Biden là cái tên đáng kể nhất lúc này, nhưng ông sẽ sang tuổi 74 vào năm 2016, tức là sẽ trở thành ứng viên già nhất trong lịch sử. Những ứng viên tiềm tàng khác của phe Dân chủ, như thượng nghị sĩ Massachusetts Elizabeth Warren, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo, và thượng nghị sĩ Mark Warner của Virginia, đều thiếu kinh nghiệm chính trị và ngoại giao như bà Clinton. Cộng hòa thất thế Quyết định của bà Clinton có thể ảnh hưởng tới cả quyết định đề cử của phe Cộng hòa, vừa hứng chịu thất bại cay đắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng khi đặt cược hình ảnh của đảng vào một người đàn ông da trắng lớn tuổi giàu có. Hiện chỉ vài cái tên Cộng hòa đáng nhắc đến có thể là đối thủ với bà Clinton, bao gồm thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio, người sẽ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng Latin, và Thống đốc New Jersey Chris Christie, đang lên như diều nhờ việc đối phó với bão Sandy. Tuy nhiên, cựu ứng viên của phe Cộng hòa Newt Gingrich, đã bị Mitt Romney đánh bại trong cuộc bầu cử sơ bộ của phe Cộng hòa năm nay, cảnh báo cuộc chiến với phe Dân chủ sẽ còn rất gian nan: “Nếu ứng viên của họ năm 2016 là Hillary Clinton, được Bill Clinton và tổng thống tương đối được lòng dân Barack Obama ủng hộ, đánh bại họ sẽ rất khó,” ông nói trên NBC. “Tôi thấy rằng Đảng Cộng hòa hiện giờ không đủ sức cạnh tranh ở trình độ đó”.
Bà Hillary Clinton vẫn là gương mặt sáng giá trên chính trường Mỹ (Nguồn: AFP)
Là cựu đệ nhất phu nhân, một thượng nghị sĩ thành công của New York và một ngoại trưởng được yêu mến, bà Clinton thực sự là ngôi sao sáng trên bầu trời chính trị Mỹ. Và dù bà sẽ 69 tuổi vào tháng 11/2016, chính Clinton thừa nhận bà vẫn còn rất khỏe mạnh. “May mắn là tôi không chỉ khỏe mạnh, mà còn rất bền bỉ và tràn ngập năng lượng,” bà nói trên ABC. Có lẽ những gì mà Phó thủ tướng thứ nhất Bắc Ireland Martin McGuinness nói trong chuyến thăm ngắn của bà Clinton tới đây tuần trước là lời kết luận hay nhất về tương lai của bà: “Khi chúng tôi nói chào tạm biệt nhà Clinton, chúng tôi cũng nói: Sẽ gặp lại sớm nhé”./.
Trần Trọng (Vietnam+)