Kế hoạch cải cách tư pháp của Ba Lan "đáp ứng nguyện vọng của người dân và những cải cách này không khác biệt so với quy định được áp dụng tại nhiều nước thành viên khác của Liên minh châu Âu."
Chính phủ Ba Lan đã chính thức đưa ra tuyên bố trên vào ngày 20/3 - thời hạn chót mà Ủy ban châu Âu (EC) yêu cầu Warsaw giải đáp về những quan ngại của Liên minh châu Âu (EU) đối với những cải cách hệ thống tư pháp của nước này hoặc đối mặt với các lệnh trừng phạt của EU.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ba Lan nêu rõ nước này đã có văn bản giải thích cặn kẽ đối với kế hoạch cải cách tư pháp, cũng như giải đáp mọi ý kiến phản đối của EC.
Ba Lan một lần nữa cam kết giải quyết những bất đồng với EC hiệu quả, đồng thời tuyên bố sẵn sàng đối thoại để tìm giải pháp đáp ứng yêu cầu của hai bên.
Trước đó, ngày 8/3, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã trao cho Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker một tài liệu chi tiết đưa ra những lý lẽ bảo vệ chương trình cải cách tư pháp của nước này, theo đó Ba Lan cho rằng EU không thể áp dụng Điều 7 Hiệp ước Lisbon để áp đặt các biện pháp trừng phạt Warsaw bởi các thẩm phán nước này được đảm bảo tính độc lập và chương trình cải cách trên tương tự như quy định của các nền dân chủ khác trong EU.
Tài liệu cũng khuyến cáo rằng các biện pháp trừng phạt của EU có thể tạo ra "tiền lệ nguy hiểm" dẫn tới sự phá hoại chủ quyền của các nước thành viên, cũng như có thể đẩy mạnh thái độ bài EU trở nên ngày càng rõ rệt hơn.
Theo tài liệu, các lệnh trừng phạt của EU có thể khiến gia tăng các lực lượng chính trị theo đường lối dân túy.
Hồi tháng 12/2017, EC đã bắt đầu tiến hành các thủ tục pháp lý chưa từng có tiền lệ để khởi kiện Ba Lan liên quan chương trình cải cách tư pháp gây tranh cãi của nước này, vốn bị EU coi là "mối đe dọa " tới nguyên tắc pháp quyền.
EC đã cáo buộc đảng Công lý và Phát triển (PiS) cầm quyền ở Ba Lan đã vi phạm các nguyên tắc luật pháp khi tiến hành các cải cách tư pháp và hệ thống truyền thông nhà nước kể từ khi lên cầm quyền hồi cuối năm 2015.
Sau 2 năm đối thoại với Ba Lan không đạt kết quả, tháng 12/2017, EC đã đề nghị hành động chống lại Warsaw, bao gồm đình chỉ quyền bỏ phiếu của nước này trong EU nếu Warsaw không có sự giải trình trước hạn chót là ngày 20/3.
EU có thể sẽ áp dụng Điều 7 Hiệp ước Lisbon, vốn quy định EU có thể tước quyền bỏ phiếu của Ba Lan tại EC, nếu quốc gia này không thực hiện đầy đủ những yêu cầu của EU.
Mặc dù vậy, khả năng này khó xảy ra vì đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả các chính phủ thành viên EU. Hungary cam kết sẽ bỏ phiếu phủ quyết bất kỳ hành động nào chống lại Ba Lan.
Trước đó, vào tháng 7/2017, Nghị viện Ba Lan đã đề xuất một dự thảo luật về cải tổ hệ thống tư pháp, khẳng định cuộc cải cách này là cần thiết để tăng tính hiệu quả của tòa án.
EC cho rằng hành động của cơ quan lập pháp Ba Lan không chỉ vi phạm các nguyên tắc của EU mà còn tạo điều kiện cho cơ quan hành pháp nước này gây ảnh hưởng và thậm chí là can thiệp vào cơ cấu tổ chức, thẩm quyền cũng như hoạt động chuyên môn của cơ quan tư pháp./.