Ba Lan từ chối nhận người di cư theo kế hoạch phân bổ của EU

Thủ tướng Beata Szydlo khẳng định Ba Lan không thể nhất trí với kế hoạch phân bổ người di cư của EU sau những gì xảy ra ở Bỉ.
Ba Lan từ chối nhận người di cư theo kế hoạch phân bổ của EU ảnh 1Người di cư ở biên giới Hy Lạp-Macedonia ngày 28/2. (Nguồn: AFP)

Ngày 23/3, Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo tuyên bố quốc gia này sẽ không tiếp nhận số người di cư được phân bổ theo kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) do những lo ngại an ninh sau khi xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Brussels (Bỉ) hôm 22/3 làm ít nhất 31 người thiệt mạng và gần 300 người bị thương.

Phát biểu trên kênh truyền hình Superstacja, bà Szydlo khẳng định Ba Lan không thể nhất trí với kế hoạch của EU sau những gì xảy ra ở Bỉ dù trước đó đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền đồng ý sẽ tiếp nhận khoảng 7.000 người theo như kế hoạch mà chính phủ tiền nhiệm đã thông qua.

Theo bà Szydlo, việc đảm bảo an toàn cho người dân trong nước lúc này là điều cần thiết, đồng thời kêu gọi EU từ chối tiếp nhận những người di cư đến "lục địa già" vì mục đích kinh tế khi cho rằng những kẻ khủng bố có thể trà trộn vào dòng người này. Theo bà Szydlo, việc một số quốc gia EU mở cửa đón người di cư mà không tính đến những nguy cơ tiềm ẩn là "sự cẩu thả" và rằng EU đã không rút kinh nghiệm ngay từ sau loạt vụ khủng bố tại Paris.

Ba Lan là thành viên EU đầu tiên đưa ra tuyên bố phản đối hạn ngạch phân bổ người nhập cư của EU sau loạt vụ đánh bom đẫm máu ở sân bay và tàu điện ngầm Brussels. Tháng 9 năm ngoái, các lãnh đạo EU đã miễn cưỡng thông qua thỏa thuận gây nhiều tranh cãi liên quan tới việc phân bổ 120.000 người tị nạn tới các quốc gia thành viên. Các quốc gia như CH Séc, Hungary, Romania và Slovakia đã phản đối thỏa thuận này.

Cũng liên quan tới vấn đề người di cư, cùng ngày, Cơ quan Biên phòng châu Âu (Frontex) cho biết các quốc gia thành viên EU chỉ đáp ứng chưa đến 1/3 số nhân sự mà cơ quan này yêu cầu nhằm tăng cường lực lượng đối phó với cuộc khủng hoảng di cư.

Trong khi Frontex yêu cầu lực lượng gồm 1.500 cảnh sát và 50 chuyên gia để hỗ trợ Hy Lạp đưa những người di cư trái phép trở lại Thổ Nhĩ Kỳ, song cho tới nay mới chỉ có 396 cảnh sát và 47 chuyên gia được cử tới. Giám đốc Frontex Fabrice Leggeri đã kêu gọi các quốc gia thành viên tích cực đóng góp nhân sự để đảm bảo việc thực hiện thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ về giải quyết cuộc khủng hoảng di cư được coi là lớn nhất kể từ Đại chiến Thế giới lần thứ hai.

Theo số liệu thống kê mới nhất, khoảng hơn 1,2 triệu người di cư chủ yếu đến từ Syria đã tới "lục địa già" trong năm 2015. Rất nhiều cuộc họp cũng như giải pháp được đưa ra, song cho tới nay châu Âu vẫn lúng túng trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng khi không thể tìm được tiếng nói chung giữa các quốc gia thành viên.

Kế hoạch phân bổ người nhập cư liên tục vấp phải sự phản đối của các quốc gia Đông Âu, trong khi thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ về việc trả lại người di cư về Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang vấp phải sự phản đối từ phía một số tổ chức quốc tế có ảnh hưởng lớn như Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR). Mới đây nhất, UNHCR tạm ngừng nhiều hoạt động hỗ trợ tại Hy Lạp khi cho rằng với thỏa thuận mới thì các trung tâm tị nạn tại Hy Lạp chỉ có vai trò như các "cơ sở tạm giữ"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục