Ba lý do Thủ tướng Nhật Bản Abe nên tại nhiệm sau năm 2021

Trang mạng asiatimes nhận định Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nên tại nhiệm sau năm 2021 khi nhiệm kỳ hiện tại của ông kết thúc vì không ai có năng lực hơn ông để lãnh đạo Nhật Bản giai đoạn hiện nay.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn: AFP)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn: AFP)

Theo trang mạng asiatimes, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nên tại nhiệm sau năm 2021 khi nhiệm kỳ hiện tại của ông kết thúc vì không ai có năng lực hơn ông để lãnh đạo Nhật Bản trong một môi trường quốc tế ngày càng khó khăn.

Vì lợi ích của Nhật Bản, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền nên thay đổi quy định để cho phép ông Abe ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Có một tiền lệ rõ ràng cho điều này, khi quy định đã được thay đổi hồi năm 2017 để cho phép ông Abe ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba với vai trò là chủ tịch đảng vào năm sau đó (2018).

Kể từ khi nhậm chức năm 2012, ông Abe đã chứng tỏ là một nhà lãnh đạo vững vàng, chắc chắn, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng người lãnh đạo vốn gây hại cho Nhật Bản trong một thời gian dài.

Ông đã hạn chế quyền lực của tất cả các cơ quan chính phủ và tăng cường sự giám sát của chính phủ đối với các cơ quan này. Chính sách nới lỏng tiền tệ chưa từng có tiền lệ của ông đã giúp kiềm chế giảm phát.

[Thủ tướng Nhật Bản: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ hàng đầu]

Quan hệ của Nhật Bản với Trung Quốc - từng lao dốc nghiêm trọng trong năm 2012 - cuối cùng đã được hàn gắn. Theo kế hoạch, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước đến Nhật Bản vào năm tới.

Nhật Bản cũng được chọn là nước đăng cai Thế vận hội Tokyo vào năm 2020. Có thể nói, Nhật Bản đang trở lại và Abe xứng đáng nhận được nhiều sự tín nhiệm về điều đó.
Trong bối cảnh mọi việc đang diễn ra suôn sẻ và tốt đẹp hơn, không có lý do gì để làm đảo lộn mọi thứ. Có 3 lý do giải thích tại sao ông Abe cần tại nhiệm sau năm 2021.

Thứ nhất, vào năm 2021, tại nước Mỹ, hoặc là Tổng thống Donald Trump sẽ vẫn tại nhiệm nếu ông tái đắc cử, hoặc sẽ có một tổng thống mới thuộc đảng Dân chủ. Ông Abe đã tìm mọi cách để thiết lập một mối quan hệ cá nhân thân thiết với ông Trump.

Thủ tướng Abe chẳng những không mất gì khi nuôi dưỡng mối quan hệ tốt với ông Trump mà còn được lợi, khiến ông Trump thiện cảm với Nhật Bản.

Nếu Trump tái đắc cử và Abe không còn nắm quyền nữa, không có gì đảm bảo rằng nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản sẽ có thể tạo dựng được mối quan hệ gần gũi tương tự với Trump như Abe từng làm.

Thứ hai, nếu Trump thất cử vào năm 2020 và được thay thế bằng một ứng cử viên của đảng Dân chủ, Nhật Bản sẽ khó có thể hy vọng giải quyết được những vấn đề thương mại của nước này với Mỹ.

Với việc chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang gia tăng tại Mỹ, và đảng Dân chủ đang sử dụng biện pháp ngày càng khắc nghiệt để làm tốt hơn Trump trong việc xử lý những vấn đề thương mại hóc búa, sẽ khó có chuyện một vị tổng thống mới của nước Mỹ có lập trường mềm mỏng đối với Nhật Bản. Do đó, Nhật Bản cần một nhà lãnh đạo có kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề nảy sinh.

Thứ ba, chính trường Nhật Bản có nét đặc trưng riêng. Người Nhật bỏ phiếu dựa trên người lãnh đạo đảng, người được coi là "bộ mặt" của đảng. Đây là lý do chính khiến Nhật Bản có nhiều thủ tướng trong quá khứ, đặc biệt trong thời điểm từ giữa năm 2007-2012.

Tất cả những người tiền nhiệm của ông Abe đều phải từ chức do áp lực từ phía các đảng của họ sau khi họ bị mất uy tín sâu sắc, và việc từ chức được coi là trách nhiệm pháp lý đối với đảng của họ. Tuy nhiên, ông Abe đã duy trì được sự tín nhiệm nếu so sánh với các đối thủ của ông, và ông đã có thành tích vững chắc để giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử.

Điều này đã góp phần tạo ra sức mạnh chính trị để ông có thể tiến hành những cải cách mạnh mẽ ở trong nước, chẳng hạn như quyết định tăng thuế tiêu dùng, vốn đã bị trì hoãn trong một thời gian dài, từ 8% lên 10%.

Nói tóm lại, trừ phi có bất kỳ sự thay đổi nào hoàn cảnh nào, sẽ là sáng suốt nếu LDP giữ Abe tại nhiệm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục