Ấm tình mẫu tử

"Bà Mụ" ấm tình mẫu tử thiêng liêng mùa Vu Lan

Câu chuyện kể về một nghề đã mai một ở thành phố nhưng qua đó lại thấy rõ được tình mẹ và hiểu về thế giới lạ lùng của nghề bà mụ.
Nhân mùa Vu Lan đến những nơi cầu lễ tôn vinh đạo hiếu cùng lắng lòng tình mẹ nghĩa cha, nhìn những bông hồng trắng cài áo mà nghẹn ngào thương người không còn cha mẹ. Để rồi, chợt thấy như chùng xuống khi đọc một cuốn sách về một nghề gắn chặt với thử thách vượt cạn của những người mẹ.

Câu chuyện bắt đầu vào một đêm mùa đông bão bùng năm 1981, một ca đẻ tại nhà ở bang Vermont, miền bắc nước Mỹ, đã biến thành bi kịch. Đường dây điện thoại bị đứt, đường sá bị phong tỏa vì băng đá. Không thể đưa bệnh nhân đến bệnh viện, bà mụ Sibyl Danforth đã nỗ lực hết sức để cứu cả bà mẹ lẫn thai nhi trong lúc người học việc thiếu kinh nghiệm của bà và người chồng hoảng sợ của thai phụ chỉ biết bất lực đứng nhìn.

Thai phụ đã chết nhưng đứa bé được sống nhờ quyết định vào phút chót của Sibyl: Mổ lấy thai. Nhưng cơn ác mộng chỉ mới bắt đầu vì người học việc một mực cho rằng thai phụ chưa chết lúc Sibyl tiến hành mổ đẻ.

Trong tiểu thuyết "Bà mụ," tác giả Chris Bohjalian đã tường thuật lại những sự kiện dẫn đến phiên tòa xét xử Sibyl Danforth, một bà mụ lành nghề ở thị trấn nhỏ Reddington, từng đỡ đẻ cho hơn 500 đứa trẻ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy đó không đơn thuần là phiên tòa về tội bất cẩn gây chết người của Sibyl, mà còn là cuộc đối đầu giữa giới bác sĩ và bà mụ, những người luôn bị xem là cái gai trong mắt của chính quyền và cộng đồng y tế.

Bà mụ được kể lại qua cách nhìn của Connie, cô con gái mười bốn tuổi của Sibyl. Khi câu chuyện về điều gì đã xảy ra trong đêm mùa đông định mệnh ấy dần mở ra cũng là lúc người đọc bước vào một thế giới lạ lùng của nghề bà mụ.

Trong đó có những người phụ nữ không xem việc đỡ đẻ là một “nghề nghiệp” mà là một “duyên phận” chỉ dành riêng cho một số người, và họ thực hiện nó như một nghi thức tôn giáo thiêng liêng.

Những người như Sibyl Danforth, luôn tin rằng “phụ nữ đẻ con hiệu quả nhất trong môi trường mà họ thông thuộc nhất và điều đó khiến họ cảm thấy thoải mái nhất; tương tự, việc chào đón một đứa trẻ đến với thế giới này trong một căn phòng ấm áp, và đỡ lấy đứa bé với đôi tay trìu mến, là điều rất quan trọng.”

Ở đó có những ca đẻ tại nhà với sự cộng hưởng cảm xúc của tất cả những người có mặt khiến ta chỉ muốn “đóng chai những rung cảm trong căn phòng đó và để dành một ít cho những ca đẻ cô đơn hơn.”

"Bà mụ" cũng có thể được xem là “duyên phận” của tác giả Chris Bohjalian khi ý tưởng viết quyển sách đến với ông như một sự sắp đặt. Chris kể rằng khoảng sáu tháng sau khi cô con gái của ông chào đời, vợ chồng ông đến dự một buổi tiệc tối tại Vermont nơi họ sinh sống, và ngồi cạnh ông là một bà mụ hành nghề độc lập ở địa phương.

Nghe tin vợ chồng ông phải lặn lội lái xe hơn 50 cây số giữa đêm mới đến được bệnh viện gần nhất để sinh con, bà đã mỉm cười nói: “Nếu anh chị dùng đến tôi, thì anh chị đã có thể đẻ con trong phòng ngủ của mình và anh đã có thể đích thân đỡ lấy cháu bé rồi.”

"Bà mụ" (xuất bản năm 1997) là tiểu thuyết thứ năm của Chris Bohjalian. Là tác giả, Chris nhớ ơn người phụ nữ đã gợi ra cho ông một đề tài sáng tác tuyệt vời.

Đọc "Bà mụ," thấy đồng cảm với niềm tin bất biến của những người làm nghề đỡ đẻ vào sự thiêng liêng không thể thay thế của sinh đẻ tại nhà. Thấy thương hơn những vất vả “mang nặng đẻ đau” của người làm mẹ, dù ở đâu và bên cạnh ai. Rồi bất chợt nhận ra, hình như có một lúc nào đó giữa những trang sách, ta đang nghĩ về giờ phút chào đời của chính ta và thấy yêu mẹ của ta nhiều hơn một chút.

Đó là khi ta chạm đến sự đồng điệu với tác giả, như ông đã tâm sự: “Bà mụ đề cập đến nhiều câu chuyện, nhưng trên hết, tôi xem quyển tiểu thuyết này như một câu chuyện về tình mẫu tử thiêng liêng.”/.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục