Bà Nguyễn Thị Nga: Động lực thi đua ái quốc qua hai lần gặp Bác Hồ

Bà Nguyễn Thị Nga thấy mình may mắn vì có cơ hội hai lần gặp Bác Hồ, được tiếp cận rất gần với tư tưởng và phong cách đạo đức của Người. Đó là động lực để bà trở thành một công dân có ích.
Bà Nguyễn Thị Nga: Động lực thi đua ái quốc qua hai lần gặp Bác Hồ ảnh 1Bà Nguyễn Thị Nga (thứ tư từ trái sang) tham quan triển lãm về Bác Hồ tại Bảo tàng Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bước vào căn hộ của bà Nguyễn Thị Nga (84 tuổi) ở Hà Nội, tôi thấy ngay bức ảnh chụp khi bà đang được bắt tay Bác Hồ tại Đại hội Thể dục Thể thao Thủ đô lần thứ nhất tháng 2 năm 1961. Bức ảnh được phóng to, lồng khung trang trọng và treo ở vị trí dễ thấy nhất ở phòng khách.

Hơn 60 năm đã trôi qua nhưng kỷ niệm gặp Bác Hồ vẫn luôn in đậm trong tâm trí bà Nga. Những bài học về thi đua yêu nước hưởng ứng lời kêu gọi của Bác trở thành động lực phấn đấu cho bà trong suốt cuộc đời mình.

Hai lần vinh dự được gặp Bác

Bà Nga sinh ra và lớn lên trong một gia đình tư sản trí thức ở Thủ đô Hà Nội. Bà và các anh chị em trong nhà đều được học tập trong những ngôi trường danh giá thời bấy giờ như Chu Văn An, Trưng Vương… Ngoài giờ học, các học sinh còn được tập thể dục, thể thao, rèn luyện sức khỏe. Bản thân bà Nga cũng rất có năng khiếu với nhiều môn thể thao như bóng chuyền, cầu lông, chạy, nhảy xa…

Khi trưởng thành, đi làm, bà Nga là đội trưởng đội bóng chuyền nữ của Bộ Kiến trúc (sau sáp nhập với Bộ Thủy lợi thành Bộ Xây dựng ngày nay).

Bà Nguyễn Thị Nga: Động lực thi đua ái quốc qua hai lần gặp Bác Hồ ảnh 2Bà Nga (phải) và niềm tự hào được gặp Bác Hồ. (Ảnh: NVCC)

Tháng 2/1961, bà cùng với các đồng nghiệp nữ tham gia thi đấu bóng chuyền tại Đại hội Thể dục Thể thao Thủ đô lần thứ nhất. Toàn đội có thành tích đạt giải Nhì.

Ngày 5/2/1961 là lễ bế mạc đại hội. Bà được đại diện cho cơ quan Trung ương lên nhận cờ thi đua và giải thưởng.

“Hôm ấy nắng rất to. Chúng tôi xếp hàng ra giữa sân từ sớm để chuẩn bị lễ bế mạc, có người còn bị choáng ngất vì thấm mệt sau những ngày thi đấu. Không ai được biết là Bác Hồ sẽ dự chương trình,” bà Nga nhớ lại.

[Phong trào thi đua ái quốc dưới góc nhìn nhà nghiên cứu về Bác Hồ]

Ngắm nhìn bức ảnh với ánh mắt trìu mến, bà như đang được trở về với năm tháng tuổi đôi mươi.

“Lúc gần nửa buổi thì Bác đến. Mọi người xôn xao, phấn chấn hẳn lên. Bác đi xuống trao cờ thi đua, bắt tay và hỏi từng người: ‘Cháu ở đơn vị nào?’ Tôi đứng gần cuối cùng nên rất sốt ruột, cứ ngóng mãi, mong Bác đến để được nhìn Bác cười, được Bác bắt tay. Đến lượt, Bác vừa mới nói: ‘Cháu ở…’ thì tôi đáp luôn: ‘Cháu ở cơ quan Trung ương ạ’,” bà Nga vui vẻ kể lại.

Thấy cô gái trẻ lém lỉnh, nhanh miệng, Bác bật cười và “tát yêu” một cái làm mọi người xung quanh ngỡ ngàng và “ghen tị” kêu lên: “Sướng quá!”

“Tuổi trẻ lúc đó chỉ có những niềm vui đơn giản như vậy. Được Bác bắt tay lâu hơn, cười nhiều hơn các bạn là thấy mình ‘lãi’ hơn rồi. Khoảnh khắc đó đối với tôi thật hạnh phúc, nhớ mãi không quên. May mà đã có ai đó chớp lại bức ảnh này,” bà Nga cười.

Bà Nguyễn Thị Nga: Động lực thi đua ái quốc qua hai lần gặp Bác Hồ ảnh 3Bà Nga hạnh phúc gặp lại bức ảnh của mình tại Bảo tàng Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đó không phải lần đầu tiên bà Nga được gặp Bác Hồ. Khi còn học tập tại Trường nữ sinh Trưng Vương, bà cũng đã từng được gặp Bác khi Người về thăm trường và trò chuyện với các thầy cô giáo, các em học sinh.

Bà Nga không nhớ hết nội dung bài nói chuyện của Bác nhưng ấn tượng sâu đậm không thể quên là khi Bác hỏi: “Các cháu có biết chủ nghĩa xã hội là gì không?”

Lúc đó, cả trường im phăng phắc, không ai dám giơ tay. Chủ nghĩa xã hội được tuyên truyền hàng ngày nhưng quả thực, không ai hiểu cụ thể. Thấy vậy, Bác đáp ngắn gọn: “Cơm no và áo ấm.”

“Chỉ có 5 chữ thật ngắn gọn mà chính xác. Tôi đã nhớ và thấy thấm thía suốt từ năm tháng học sinh ấy cho đến bây giờ. Đó cũng là kim chỉ nam cho thế hệ chúng tôi thi đua, phấn đấu,” bà Nga bày tỏ.

Lời Người dạy là động lực để thi đua

Dù có điều kiện học tập rất tốt nhưng bà Nga nộp đơn xung phong vào chiến trường miền Nam phục vụ kháng chiến. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp phổ thông, bà không học lên nữa mà chờ lên đường đi chiến dịch. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử thời bấy giờ mà bà không được huy động đi miền Nam.

Bà Nguyễn Thị Nga: Động lực thi đua ái quốc qua hai lần gặp Bác Hồ ảnh 4Bà Nguyễn Thị Nga tự hào mình là một công dân có ích cho xã hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Bây giờ, các bạn trẻ có thể nghĩ rằng đi chiến trường thì phải đối mặt với gian khổ, hy sinh nhưng chúng tôi thời ấy không ai nghĩ như vậy cả. Lứa thanh niên luôn hăng hái, dũng cảm, mong muốn được trực tiếp tham gia vào công cuộc giải phóng dân tộc. Đó là lý tưởng của tuổi trẻ,” bà Nga tâm sự.

Ở lại miền Bắc, bà Nga tích cực tham gia công tác Đoàn và các phong trào thanh niên kiến thiết đất nước đồng thời đi học ngành kỹ thuật xây dựng tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Sau ngày thành phố giải phóng (10/10/1954), Hà Nội bắt tay vào khôi phục và phát triển kinh tế. Tối thứ Bảy tuần nào nhân dân các đường phố cũng tấp nập ra quét dọn vỉa hè, cống rãnh, làm tổng vệ sinh. Chủ nhật là “ngày lao động kiến thiết Tổ quốc”, các tầng lớp nhân dân đặc biệt thanh niên, học sinh từ sáng sớm đã nô nức kéo nhau đi san nền, đào móng xây dựng các nhà máy Cơ khí Hà Nội, Diêm Thống Nhất, gỗ Cầu Đuống…

Bà Nga không chỉ trực tiếp tham gia các hoạt động này mà còn nằm trong lực lượng sửa sang, mở rộng con đường đi giữa Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch, sau này được Bác đặt tên là đường Thanh Niên.

Bà Nguyễn Thị Nga: Động lực thi đua ái quốc qua hai lần gặp Bác Hồ ảnh 5Đường Thanh Niên ngày nay được tạo nên nhờ công sức của những thanh niên thế hệ trước như bà Nga. (Ảnh: TTXVN)

“Đây vốn là con đập đắp vào đầu thế kỷ thứ 17 để giữ cá nuôi trong hồ Trúc Bạch lúc đầu mang tên Cố Ngự (giữ vững), sau người Pháp đọc chệch thành Cổ Ngư. Thanh niên Hà Nội có nhiệm vụ đổ đất mở rộng đường, quây bồn trồng hoa,” bà Nga nói.

Những chàng trai cô gái Hà Nội hăng hái gánh, xúc, đẩy xe chở đất trong niềm phấn khởi được trực tiếp góp phần làm đẹp Thủ đô. Có hai lần Bác Hồ trực tiếp đến thăm và động viên. Bác hỏi han thanh niên có mệt không và dặn dò phải giữ an toàn lao động.

“Cũng như ở Đại hội Thể dục Thể thao năm nào, Bác đến đột xuất. Khi các đồng chí lãnh đạo thành phố được tin, đến đón tiếp Bác thì Bác đã rời công trường. Hai dịp này tôi chỉ nghe kể chứ không được trực tiếp gặp Bác,” bà Nga nói.

Sau này, công trình hoàn thành, tạo nên “con tàu xanh không bao giờ đắm” giữa lòng Hà Nội. Bác cũng đã đổi tên con đường từ Cổ Ngư thành Thanh Niên.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, bà Nga thấy mình may mắn vì có điều kiện trưởng thành và học tập trong những môi trường tốt, lại có cơ hội hai lần gặp Bác Hồ, được tiếp cận rất gần với tư tưởng và phong cách đạo đức của Người. Sau này chiêm nghiệm lại, bà nhận thấy quả thực Bác Hồ rất quan tâm đến thể dục thể thao và các phong trào thanh niên.

Hai lần gặp Bác, nghe Bác nói chuyện về những phong trào thi đua yêu nước đã trở thành những kỷ niệm đẹp và là sự khích lệ đối với bà Nga trong các công tác Đoàn thanh niên và Công đoàn sau này.

“Thế hệ chúng tôi thời ấy ai cũng hăng hái thi đua, tham gia các phong trào. Tôi không phải một trường hợp nổi bật, may mắn là tôi được gặp Bác và được truyền cảm hứng, tiếp động lực để lao động, cống hiến mà thôi. Tôi rất tự hào là một công dân có ích cho xã hội,” bà chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục