Bắc Cực trải qua mùa Hè năm 2023 ấm nhất trong lịch sử

Nhiệt độ ở Bắc Cực trong mùa Hè năm 2023 đã lên mức cao nhất từ trước đến nay, góp phần gây ra các vụ cháy rừng bất thường và tình trạng băng tan.

(Nguồn: Reuters)
(Nguồn: Reuters)

Một báo cáo của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) ngày 12/12 cho thấy nhiệt độ không khí bề mặt ở Bắc Cực trong mùa Hè năm 2023 đã lên mức cao nhất từ trước đến nay.

Điều này góp phần gây ra các vụ cháy rừng bất thường và làm tan sông băng, đồng thời đe dọa phần còn lại của thế giới với các vấn đề nghiêm trọng bao gồm mực nước biển dâng cao.

NOAA cho biết nhiệt độ trung bình ở Bắc Cực từ tháng 7-9 năm nay là 6,4 độ C, mức cao nhất kể từ khi các dữ liệu này bắt đầu được thu thập vào năm 1900. Nhiệt độ trung bình mùa Hè ở Bắc Cực đã tăng 0,17 độ C mỗi thập niên. Nhìn chung, 2023 là năm ấm thứ 6 được ghi nhận ở Bắc Cực. Diện tích băng biển cũng tiếp tục giảm, trong đó các tháng Chín của 17 năm trở lại đây chứng kiến lượng băng biển thấp kỷ lục.

Báo cáo thường niên của NOAA cũng cho thấy các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan xảy ra thường xuyên hơn và gây tác động sâu rộng trên toàn cầu.

Sự nóng lên trên khắp các vùng phía Bắc Canada và Quần đảo Bắc Cực thuộc Canada cộng với tình trạng lượng mưa dưới mức trung bình chính là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ cháy rừng ở khu vực này.

Báo cáo của NOAA dẫn những dữ liệu về mức tăng kỷ lục của nhiệt độ trung bình bề mặt đại dương và đất liền trên phạm vi toàn cầu trong năm 2023, cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do tác động từ các hoạt động của con người.

Theo NOAA, nhiệt độ toàn cầu gia tăng đang ảnh hưởng đến hệ sinh thái và cộng đồng dân cư trên khắp Bắc Cực, khiến khu vực này ngày càng ấm hơn, ít băng giá hơn và hứng chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên hơn.

Trước đó, nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications cho thấy những thềm băng phía Bắc Greenland đã mất 35% tổng khối lượng kể từ năm 1978, thậm chí 3 trong số các thềm băng kể trên đã sụp đổ hoàn toàn.

Điều này tương đương với việc mất đi khoảng 400 tỷ tấn băng, đóng vai trò như một bức tường ngăn các sông băng chảy ra biển làm mực nước biển dâng.

Sông băng ở phía Bắc Greenland vốn được xem là tương đối ổn định, khác với sông băng nhiều khu vực khác ở Greenland đã bắt đầu tan chảy từ giữa những năm 1980.

Lượng băng bị mất đi ở Greenland đã khiến mực nước biển dâng lên khoảng 17% trên toàn cầu từ năm 2006 đến năm 2018. Nhưng tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn.

Trước đó, Cơ quan Khí tượng Anh (Met) ngày 8/12 nhận định nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể ghi nhận mức tăng tạm thời vượt ngưỡng 1,5 độ C trong năm tới.

Theo Met, năm 2023 hầu như chắc chắn sẽ là năm nóng nhất từ trước đến nay và năm 2024 có thể còn nóng hơn.

Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong năm 2024 được dự báo tăng trong khoảng từ 1,34 độ C đến 1,58 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tổ chức Khí tượng Thế giới tháng trước cũng đã đưa ra dự báo nhiệt độ Trái Đất năm 2023 có thể tăng khoảng 1,4 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục