Cảnh báo băng tan tại Greenland làm gia tăng mực nước biển toàn cầu

Do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, những thềm băng phía Bắc Greenland đã mất 35% tổng khối lượng kể từ năm 1978, thậm chí 3 trong số các thềm băng kể trên đã sụp đổ hoàn toàn.

Hình ảnh một thềm băng ở Greenland. (Nguồn: Viện Alfred Wegener)
Hình ảnh một thềm băng ở Greenland. (Nguồn: Viện Alfred Wegener)

Theo nghiên cứu khoa học mới được công bố, các thềm băng ở phía Bắc Greenland đang suy giảm nghiêm trọng.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications cho thấy những thềm băng phía Bắc Greenland đã mất 35% tổng khối lượng kể từ năm 1978, thậm chí 3 trong số các thềm băng kể trên đã sụp đổ hoàn toàn.

Điều này tương đương với việc mất đi khoảng 400 tỷ tấn băng, đóng vai trò như một bức tường ngăn các sông băng chảy ra biển làm mực nước biển dâng.

Romain Millan, nhà khoa học tại Đại học Grenoble Alpes (Pháp), tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Đó là những thềm băng cuối cùng còn sót lại. Tất cả những thềm băng khác đã sụp đổ hoặc thu hẹp.”

Thềm băng là những khối băng khổng lồ kéo dài từ các sông băng trên đất liền, có vai trò quan trọng trong điều tiết dòng chảy của băng trên đất liền vào đại dương.

Nghiên cứu chỉ ra rằng do tình trạng ấm lên của Trái Đất, các thềm băng phải chịu những tổn thương nghiêm trọng, có nguy cơ tan chảy và sụp đổ, gây ra hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến mực nước biển.

Sông băng ở phía Bắc Greenland vốn được xem là tương đối ổn định, khác với sông băng nhiều khu vực khác ở Greenland đã bắt đầu tan chảy từ giữa những năm 1980.

ttxvn_greenland bang troi.jpg
Băng trôi trên Vịnh Disko ở Ilulissat, Greenland, ngày 30/6/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, điều này dường như không còn đúng khi các nhà nghiên cứu mới đây phát hiện rằng sông băng ở phía Bắc đang tan dần. Đây là hệ quả khi các thềm băng trở nên yếu hơn và tan chảy từ bên dưới do nhiệt độ đại dương tăng lên.

Lượng băng bị mất đi ở Greenland đã khiến mực nước biển dâng lên khoảng 17% trên toàn cầu từ năm 2006 đến năm 2018. Nhưng tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn.

Mặc dù Trái Đất hiện có những tảng băng khổng lồ ở cả hai bán cầu, nhưng những dải băng ở Greenland đã bị tổn hại nghiêm trọng bởi tình trạng nóng lên toàn cầu, với những tác động tiềm tàng nghiêm trọng trong tương lai.

Các nhà khoa học thuộc những tổ chức ở Pháp, Mỹ và Đan Mạch đã sử dụng dữ liệu vệ tinh, quan sát đại dương và mô hình khí hậu để đo lường sự thay đổi về diện tích và độ dày của thềm băng Bắc Cực.

Kết quả cho thấy các sông băng ở phía Bắc Greenland đã trở nên bất ổn trong vòng 20 năm qua khi số lượng băng tan nhiều hơn phần băng mới hình thành.

Các nhà khoa học cũng đánh giá vị trí các kệ băng mắc cạn dưới đáy biển, được gọi là đường nối đất, nơi thềm nổi kết thúc và sông băng trên mặt đất bắt đầu.

Khu vực này đang rút dần vào đất liền trên hầu hết các thềm lục địa do nước biển ấm làm tan chảy các kệ băng từ bên dưới.

Stef Lhermitte, nhà khoa học chuyên quan sát vệ tinh các sông băng tại Đại học Công nghệ Delft ở Hà Lan, cho biết những phát hiện này tiết lộ mối liên hệ trực tiếp giữa sự thay đổi của thềm băng và sự dịch chuyển của các sông băng ở Greenland. Sự rút lui của các đường nối đất và lượng băng tan chảy tăng lên là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy hệ thống thềm băng đang suy yếu.

bang greenland 2.jpg
Một vết nứt của thềm băng 79 North được phát hiện vào năm 2018. (Nguồn: Viện Alfred Wegener)

Gần đây, các nhà khoa học đã ghi nhận hiện tượng toàn bộ thềm băng nâng lên và hạ xuống theo thủy triều, và cùng với đó, nước biển ấm hơn chảy vào tạo thành những không gian rộng bên dưới sông băng

Điều này có thể giúp giải thích tại sao đường nối đất các kệ băng lại rút nhanh vào đất liền trong những năm gần đây ở Greenland.

Nghiên cứu mới cho thấy chỉ riêng thềm băng mang tên Ryder đã có khả năng khiến mực nước biển toàn thế giới dâng lên 12,7cm nếu nó tan chảy hoàn toàn.

Thậm chí thềm băng 79 North, thềm băng lớn nhất ở Greenland, còn gây ra nhiều mối nguy hại lớn hơn nếu điều này diễn ra.

Nước biển ấm đã tiếp cận chân thềm băng 79 North và dường như đã tạo ra một rãnh sâu vào mặt dưới của thềm băng gần đường tiếp đất của sông băng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục