Bạc Liêu chọn kịch bản ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn

Tỉnh Bạc Liêu chọn kịch bản diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024 gay gắt, tương đương như mùa khô 2015-2016, với tổng kinh phí ứng phó là hơn 21 tỷ đồng.

Điều tiết nước ngọt cho vùng sản xuất lúa, điều tiết nước mặn cho vùng lúa tôm tại tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: TTXVN phát)
Điều tiết nước ngọt cho vùng sản xuất lúa, điều tiết nước mặn cho vùng lúa tôm tại tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo ông Ngô Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu, tỉnh đã xây dựng 3 kịch bản ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trong Kế hoạch Sản xuất nông nghiệp thích ứng Biến đổi Khí hậu vụ mùa 2023-2024.

Cụ thể, kịch bản 1 là diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024 ít gay gắt như mùa khô năm 2015-2016; kịch bản 2 là diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024 gay gắt, tương đương như mùa khô năm 2015-2016; kịch bản 3 là diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024 gay gắt hơn mùa khô năm 2015-2016.

Từ sự phân tích, đánh giá tình hình, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu chọn kịch bản 2 là kịch bản khả thi để triển khai ứng phó hạn, mặn. Kinh phí ứng phó hạn, mặn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu theo kịch bản 2 là hơn 21 tỷ đồng.

Ông Ngô Nguyên Phong cho biết tỉnh Bạc Liêu cũng đã đưa ra 2 nhóm giải pháp ứng phó với El Nino gồm nhóm giải pháp phi công trình và nhóm giải pháp công trình.

Cụ thể đối với nhóm giải pháp công trình, tỉnh Bạc Liêu đã tăng cường thi công, sửa chữa hệ thống công trình thủy lợi, cấp nước sạch nông thôn; chuẩn bị phương án đắp đập tạm để tổ chức bơm chuyền vào các tháng cao điểm mùa khô cho vụ Đông Xuân.

Đối với nhóm giải pháp phi công trình, tỉnh Bạc Liêu tăng cường thông tin, tuyên truyền để mọi người dân nắm rõ diễn biến thời tiết trong mùa khô, từ đó chủ động phòng tránh các tác hại đến sản xuất và đời sống, chủ động ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra.

Theo kế hoạch sản xuất nông nghiệp thích ứng Biến đổi Khí hậu (hạn hán, xâm nhập mặn) vụ mùa 2023-2024 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã được triển khai rộng rãi ngay từ đầu tháng 12/2023, nhờ đó đến nay, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu vẫn an toàn về sản xuất và cung cấp đủ nước sạch cho nhân dân.

Để tiếp tục phát huy tốt việc phòng, chống hạn mặn, đảm bảo sinh hoạt và sản xuất cho người dân trên địa bàn tỉnh trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu cũng kiến nghị đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đầu tư xây dựng trạm bơm tại cống âu thuyền Ninh Quới (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) để chủ động chắn hoàn toàn nước mặn chảy về Sóc Trăng khi vận hành cống.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quan tâm, đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành có liên quan xem xét, đầu tư xây dựng cống Xẻo Chích thuộc huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) và huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), dự kiến chiều rộng cống là 30 m, kinh phí đầu tư là 300 tỷ đồng; xây mới hệ thống các cống phía Bắc trục kênh Quản Lộ Phụng Hiệp, gồm 16 cống, dự kiến kinh phí đầu tư là 350 tỷ đồng (đây cũng là danh mục được đề xuất vào dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé (giai đoạn 2); nạo vét 8 trục kênh cấp 1 thuộc vùng Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu, tổng chiều dài 120,5km, dự kiến kinh phí đầu tư là 475 tỷ đồng.

ttxvn-bac lieu2.jpg
Cống âu thuyền Ninh Quới luôn phát huy tốt trong việc điều tiết, ổn định và hài hòa vùng sản xuất mặn-ngọt. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Để các giải pháp ứng phó sẽ tiếp tục triển khai đến hết mùa khô năm 2023-2024, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục thực hiện tốt điều tiết nước một cách linh hoạt trên địa bàn tỉnh đến hết mùa khô 2023-2024 để bảo vệ an toàn cho sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sạch cho nhân dân.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo, nông dân tuân thủ lịch thời vụ xuống giống vụ Hè Thu của ngành nông nghiệp để tránh gặp bất lợi về sản xuất.

Trong vụ Đông Xuân toàn tỉnh xuống giống được trên 45.000 ha. Đến nay đã thu hoạch được hơn 14.182ha, năng suất bình quân 7,0-8,5 tấn/ha. Dự kiến thu hoạch dứt điểm vụ Đông Xuân vào cuối tháng 4/2024. Toàn tỉnh Bạc Liêu đang thả nuôi thủy sản trên 120.269ha thủy sản; trong đó, tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh là trên 6.200ha. Sản xuất muối tiếp tục ổn định với diện tích gần 1.500ha, đã thu hoạch được 30.404 tấn. Sản xuất muối tiếp tục thuận lợi đến cuối tháng 4/2024.

Ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu cũng dự báo sẽ đủ nước ngọt phục vụ diện tích lúa Đông Xuân của tỉnh cho đến khi thu hoạch dứt điểm vào đầu tháng 5. Bên cạnh đó, nuôi trồng thủy sản trong tháng 4 được dự báo sẽ gặp khó khăn do nắng nóng kéo dài, độ mặn trong các ao nuôi sẽ tăng cao vượt ngưỡng, bất lợi cho tôm nuôi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục